Tại Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, lũ các sông trên địa bàn tỉnh, nhất là sông Vệ và sông Trà Câu vượt mức báo động 3 đã gây ngập lụt, sạt lở nhiều nơi. Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Đức Phổ, Nguyễn Thành Lưu cho biết, 322 ngôi nhà của người dân ở khu vực dọc sông Trà Câu thuộc các phường: Phổ Ninh, Phổ Minh, Phổ Văn, Phổ Vinh và xã Phổ Thuận bị ngập từ 0,2-1 m. Ngoài ra, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị nước lũ chia cắt, khoảng 30 ha rau màu bị hư hỏng nặng. Còn tại huyện Nghĩa Hành, nước Sông Vệ lên nhanh, huyện chủ động di dời 42 hộ dân ở thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Tây đến nơi an toàn. Kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ ở huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đánh giá cao sự chủ động của các địa phương, nhất là việc sẵn sàng phương châm bốn tại chỗ, kịp thời hỗ trợ người dân vùng ngập lụt kê cao đồ đạc, tài sản cho nên hạn chế thiệt hại, cử cán bộ trực tại các đoạn đường, ngầm, tràn bị ngập để bảo đảm an toàn cho người dân tham gia giao thông.
Công an huyện Tuy Phước (Bình Định) hỗ trợ đưa người dân xã Phước Nghĩa đến nơi an toàn. Ảnh: TƯỜNG QUÂN
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, qua thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, thủy lợi, đê kè và bờ sông: Trên quốc lộ 24 và 24C có 4 vị trí bị sạt lở đất, đá với tổng khối lượng 1.313 m³. Nhiều tuyến đường tỉnh, đường giao thông nông thôn, nhất là tuyến đường xã tại các huyện miền núi tiếp tục bị hư hỏng, sạt lở. Trong đó, tuyến đường Long Môn-Làng Ren (huyện miền núi Minh Long) tại Km 5+500 bị sạt lở với chiều dài khoảng 40 m. Đối với thủy lợi, có 5 tuyến kênh mương bị sạt lở với khối lượng đất, đá hơn 750 m³. Bờ sông Trà Câu đoạn chảy qua hai phường: Phổ Minh, Phổ Văn (thị xã Đức Phổ) tiếp tục bị sạt lở tại nhiều vị trí với tổng chiều dài khoảng 3.900 m.
Ngày 30-11, mưa ngớt dần, lũ trên các sông trên địa bàn Quảng Ngãi xuống chậm, các địa phương tiếp tục kiểm tra, thống kê thiệt hại để có phương án khắc phục.
Chiều cùng ngày, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, mưa lũ làm một người chết, hơn 66 nghìn học sinh không thể đến trường do mưa lũ diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương tiếp tục cho học sinh nghỉ học trực tiếp để bảo đảm an toàn. Sáng 30-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng huy động hơn 40 cán bộ, chiến sĩ và 2 ca-nô phối hợp các lực lượng trên địa bàn các xã bị cô lập, tổ chức di dời, cấp phát lương thực, thực phẩm cho hơn 60 hộ dân tại thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tiến hành rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ đề phòng ngập lụt và khi lũ chia cắt…
Tính đến sáng 30-11, tỉnh Bình Định có hơn 16.500 căn nhà bị ngập; nhiều nhất là huyện Tuy Phước với gần 11.000 căn. Nhiều vùng trũng thấp tại các xã: Phước Hòa, Phước Quang, Phước Hiệp, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Thắng... của huyện Tuy Phước bị ngập từ 2 ngày qua; giao thông chia cắt. Hai huyện Phù Cát, Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn… đều có nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập, chia cắt. TP Quy Nhơn đã di dời 254 hộ dân với 683 nhân khẩu ở các phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú và Đống Đa; huyện Phù Cát đã di dời 36 hộ dân khu vực núi Gành, xã Cát Minh; thị xã An Nhơn di dời 137 hộ với 278 nhân khẩu.
Tại Phú Yên mưa lớn liên tục kéo dài, nhiều thủy điện xả lũ nước ngập sâu nhiều nơi, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, dự báo nước lũ các sông vẫn đang lên nhanh. Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, Phạm Trung Chánh cho biết, nước ngập và cô lập nhiều nơi trong hai ngày qua và phía thượng nguồn sông Kỳ Lộ mưa đang rất lớn. Chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời 1.000 hộ dân ngay từ sớm để bảo đảm an toàn. Trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ ở các huyện Sơn Hòa và Phú Hòa ngày 30-11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trần Hữu Thế yêu cầu các địa phương khẩn cấp sơ tán người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn, với khoảng 3.381hộ-11.457 nhân khẩu.
Mưa to khiến tuyến đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa (Phú Yên) ngập sâu. Ảnh: Phạm Cường
Tại tỉnh Đắk Lắk, mưa lũ làm nhiều tuyến đường, cầu cống trên địa bàn ba huyện Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk bị ngập, gây chia cắt giao thông cục bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, không cho người và các phương tiện lưu thông qua lại. Hiện nay, mực nước sông Krông Pắc đang lên, tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục diễn biến phức tạp. Các địa phương đã tổ chức trực, hướng dẫn giao thông tại các điểm bị ngập. Dự báo, trên địa bàn Đắk Lắk tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối vừa và nhỏ, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp.
Từ ngày 27 đến 30-11, khu vực đông nam của tỉnh Gia Lai có mưa lớn khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Lực lượng chức năng tỉnh đã triển khai cứu hộ, kịp thời di dời người dân bị cô lập đến nơi an toàn. Tại huyện Krông Pa, 15 người tại khu vực bãi bồi trên sông Ba thuộc xã Chư Gu được cứu hộ an toàn. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thị xã Ayun Pa đã huy động xuồng máy tiến hành cứu hộ thành công 14 người dân bị mắc kẹt tại khu vực canh tác thuộc tổ 9, phường Đoàn Kết. Còn tại huyện Ia Pa, lực lượng chức năng của huyện cũng đã tiến hành cứu hộ, cứu nạn thành công hơn 20 người dân, chủ yếu là người già và trẻ em trong vùng ngập lụt...
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, mưa lũ mấy ngày qua tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên đã làm bốn người chết, tám nhà bị sập, 23.605 nhà bị ngập; 641 ha lúa, 188,5 ha hoa màu bị thiệt hại... Ngoài ra, mưa lũ còn làm quốc lộ 14H, 40B (Quảng Nam) bị ngập, sạt lở; quốc lộ 1 (Bình Định) ngập cục bộ; quốc lộ 29, 27, 19C bị ngập. Hiện công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ đang được các địa phương khẩn trương triển khai, sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Chiều 30-11, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có Công điện gửi các địa phương và các bộ, ngành liên quan, yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng. Cần tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng, chống. Rà soát khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, bảo đảm an toàn cho người dân...
Tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1659-CĐ-TTg về tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Theo đó, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo cơ quan chức năng, rà soát, kịp thời tổ chức sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó cần lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, chú ý không để người dân đói, rét… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phối hợp địa phương chỉ đạo vận hành các hồ thủy lợi, thủy điện khoa học, an toàn tuyệt đối, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân và tổ chức cứu hộ, cứu nạn...
Theo Báo Nhân Dân