Mùa mưa Tà Lọt

28/07/2023 - 04:20

 - Sang tháng 6 (âm lịch), Bảy Núi khoác lên mình chiếc áo xanh mơn mởn, bởi đất trời bước vào độ mưa già. Khi ấy, thung lũng Tà Lọt (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cũng chuyển mình, với những loại rau quả theo chân bạn hàng ra chợ, mang theo nụ cười chân chất của nông dân xứ núi.

Nhanh tay đưa chiếc cuốc bổ xuống đất huỳnh huỵch để khai đường nước, ông Nguyễn Văn Dình (người dân ấp Tà Lọt) vui vẻ trả lời câu hỏi của khách đường xa. Ông cho biết: “Mùa mưa năm nay không sớm, không muộn, nên nông dân ở Tà Lọt có được 2 - 3 vụ rẫy như mọi năm. Có điều, giá hàng bông mấy hôm nay thất thường, nên nguồn thu cũng không mạnh lắm. Được cái, mình còn bán ra chợ, nên cũng có đồng vô, chứ mấy tháng mùa khô thiếu nước, muốn kiếm đồng lời từ miếng rẫy cũng là điều khó”.

Ông Dình cho biết, vừa mới cuốn dây đám khổ qua hôm trước, lời được chút ít. Nay tiếp tục xuống giống mướp, hy vọng có giá để có thêm nguồn thu. Tính ra, từ Tết Nguyên đán đến giờ, ông chưa có nguồn thu nào đáng kể từ mảnh đất của mình. May nhờ đám khổ qua thu hoạch bán có giá, nên nỗi khổ cũng tạm qua! Không riêng ông Dình, đa số dân làm rẫy ở Tà Lọt đều rơi vào cảnh khó, nên họ trông chờ mùa mưa để vớt vát những tháng thất thu đầu năm.

Nông dân chuẩn bị mùa rẫy mới

“Mấy nay trời bão, mưa dày nên tui cũng ráng trữ nước để mần rẫy lâu hơn mọi năm. Vùng này là thung lũng nên nước từ trên núi đổ xuống khá nhiều. Tính ra, không mấy nơi ở Bảy Núi có thể trồng rẫy trong mùa mưa như Tà Lọt. Nhờ vậy, dân ở đây mới bám đất mà sống nhiều năm. Trước kia thiếu điện, thiếu nước, người ta còn sống được. Bây giờ, đời sống tiện nghi hơn, phương tiện làm rẫy đầy đủ hơn nên mình ráng làm để có nguồn thu. Tui không dư dả nhưng cũng không lo đói. Làm rẫy thì cực, chứ dân trồng vườn trên triền dốc và cận chân núi thì mùa này khấm khá hơn” - ông Dình chia sẻ.

Theo hướng tay chỉ của ông Dình, tôi nhận ra trên triền dốc xa xa là những vườn xoài, mãng cầu ta, dâu, chuối... trập trùng trong tầm mắt. Mưa đến, nước từ trên núi chảy xuống thành dòng, tắm mát cho lớp đất cát đã nằm yên dưới cái nắng mùa khô mấy tháng qua. Có nước, đất dưới chân đủ sức ấp ủ, nuôi dưỡng cây cối tốt tươi và dâng cho đời những vụ trái sum xuê. Bởi thế, khu vực Tà Lọt vào mùa mưa nhộn nhịp hẳn lên, với xe cộ vào tận vườn chở trái cây, rau màu đi tiêu thụ khắp các chợ trong vùng.

Nông sản theo bạn hàng ra chợ

“Với dân làm vườn, năm nào trái cây có giá thì kiếm lời vài chục triệu đồng cũng không khó. Từ ngày Hương lộ 17 được nâng lên thành Tỉnh lộ 949, đường sá thông thương, xe cộ dập dìu, cuộc sống người dân ở Tà Lọt thay đổi hẳn. Do thung lũng Tà Lọt nằm ở giữa các xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì, thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) và xã An Hảo, An Cư (TX. Tịnh Biên) nên việc vận chuyển nông sản đi các chợ trong vùng khá thuận tiện” - ông Trần Văn Chọn (người dân ấp Rò Leng, xã Châu Lăng) cho hay.

Thuộc lớp người định cư lâu năm, ông Chọn vẫn còn nhớ những ngày sức người phải đổ ra tranh đấu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Lúc đó, Tà Lọt là nơi không có điện, không có nước máy, đường sá hoang sơ, chứ không sung túc như bây giờ. Theo thời gian, thung lũng nằm giữa núi Dài và núi Cấm đã thay đổi hẳn. Đứng trên Tỉnh lộ 949 nhìn về hướng Lê Trì và Ba Chúc, lúa đã xanh đồng chạy ngút tầm mắt. Điểm đặc biệt của Tà Lọt là thung lũng nên mấy cánh đồng lúa cũng xếp thành hình bậc thang, phảng phất chút gì đó mộng mơ...

Ngoài dân định cư lâu năm, Tà Lọt còn có nhiều lao động gồm cả người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở vùng lân cận đến đây chăm sóc vườn đồi, vườn rừng, trồng trọt rau màu và làm thuê. Chính họ cũng góp bàn tay cải tạo vùng khô cằn trong quá khứ thành màu xanh tươi tốt.

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã dành nhiều sự quan tâm cho ấp Tà Lọt, với việc nâng cấp giao thông, đầu tư lưới điện. Ngoài ra, việc người dân chủ động sử dụng điện năng lượng mặt trời góp phần xóa đi “cái không” về điện, để ánh sáng đèn đêm không còn chập chờn, nhiều gia đình còn sắm sửa tiện nghi và hòa mình vào “cuộc sống số” hiện nay.

“Chúng tôi chỉ mong trái cây, rau màu ở Tà Lọt có đầu ra ổn định, để đời sống người dân khấm khá lên. Trải qua dịch bệnh, cuộc sống gặp khó khăn, nhất là giá nông sản vẫn còn bấp bênh. Hiện nay, Tỉnh lộ 949 đang được nâng cấp, nếu hoàn thành thì việc sản xuất, mua bán nông sản của người dân càng nhộn nhịp. Hy vọng, vùng Tà Lọt sẽ tiếp tục được chính quyền các cấp đầu tư khang trang, đầy đủ hơn, để đời sống người dân ở đây ngày càng khởi sắc” - ông Trần Văn Chọn mong mỏi.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hảo Trịnh Văn Đệ cho biết: “Hiện nay, Tà Lọt đã không còn là ấp “4 không”, khi lưới điện quốc gia và nước sạch về đến mọi nhà. Các công trình giao thông đi qua Tà Lọt đã được nâng cấp, để nơi này không còn ngăn núi, cách đường như trước kia. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để bà con ở Tà Lọt có điều kiện nâng cao đời sống trong thời gian tới”.

THANH TIẾN