Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm An Giang vui đón tết Roya Haji
Năm nay, Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh có những hoạt động mới để cùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm vui Tết, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng nhằm thực hiện các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc ngày một tốt hơn.
Theo truyền thống, vào ngày Tết Roya Haji, cộng đồng Chăm ở hầu hết các thánh đường đều tổ chức đón mừng. Mọi người đến thánh đường hành lễ, cầu xin tha thứ cho nhau những việc làm đã qua. Mỗi gia đình, tín đồ Muslim khá giả có của ăn của để thực hiện nghi thức Kurbal là mua gia súc (bò, dê, cừu) để tế lễ, phân phát cho hộ nghèo trong làng cùng chia sẻ niềm vui ngày Tết Roya đầy yêu thương.
Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang Haji Jacky cho biết, đồng bào DTTS Chăm ở An Giang có 17.000 người, tất cả đều theo đạo Hồi giáo, sinh hoạt ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường. 6 tháng đầu năm, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh đã vận động các tổ chức trên 4,8 tỷ đồng phát quà cho các em học sinh, xây dựng nhà Tình thương, hỗ trợ tín đồ khó khăn. Ngoài ra, cộng đồng người Chăm còn nhận sự ưu ái của Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi nên đời sống vật chất ngày càng phát triển, đời sống tinh thần ngày càng phong phú. Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, các chức sắc, giáo cả luôn tuyên truyền cho tín đồ tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó, đồng hành với dân tộc, thực hiện đúng giáo lý của Islam gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của công dân, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, đồng thời thực hiện tốt kế hoạch của địa phương, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Tết Roya Haji năm nay, lần đầu tiên Ban Dân tộc tổ chức họp mặt gần 100 đại biểu là đồng bào DTTS Chăm đang làm việc ở các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp cấp tỉnh, huyện, xã, ấp và các vị chức sắc, giáo cả, người có uy tín, nhân sĩ trí thức. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Men Pholly thông tin, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác dân tộc nói chung, trong đó có đồng bào DTTS Chăm. Sau này, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục tổ chức họp mặt để tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tôn vinh, biểu dương những đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, các vị chức sắc, cá nhân tiêu biểu đồng bào DTTS Chăm đã góp phần tích cực trong khối đại đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), nhất là đóng góp cho sự phát triển của quê hương An Giang. Ông Sa Lây Mal, Phó cả Thánh đường Jamiul Aman (xã Khánh Hòa, Châu Phú) bày tỏ: “Tôi năm nay 80 tuổi, lần đầu tiên dự họp mặt ngày Tết Roya thấy hết sức cảm động! Ngày xưa cha mẹ tôi nghèo, cả xã cũng nghèo. Đảng ta đã quan tâm cho đồng bào dân tộc chúng tôi nói riêng và đồng bào DTTS trong tỉnh nói chung. Bất cứ điều gì chúng tôi cần, nhà nước đã cho tất cả. Tôi chỉ có đề xuất nhỏ, mong muốn các cấp lãnh đạo hỗ trợ kinh phí cho các chức sắc tham gia dạy học cho trẻ em đồng bào DTTS Chăm, vì hiện nay các “thầy giáo” dạy chữ viết, tiếng nói trên tinh thần tự nguyện là chính”.
Ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các chức sắc, giáo cả, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Men Pholly cho biết, thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các thầy giáo người Chăm đang giảng dạy duy trì chữ viết, tiếng nói dân tộc trong các thánh đường. Đồng thời, phối hợp các cơ quan đi thăm công nhân lao động là người DTTS để nắm bắt tình hình ăn ở, học hành, thu nhập, tu hành, tín ngưỡng… nhằm có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Thời gian qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho đồng bào DTTS, như: chương trình 135, chương trình 134, chương trình cho vay, hỗ trợ giáo dục và đầu tư điện, đường, trường, trạm… tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS. Vùng dân tộc trên địa bàn tỉnh cơ bản có bước phát triển hơn so những năm trước. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu, rất cần đồng bào DTTS Chăm phấn đấu vươn lên làm giàu, giảm nghèo nhanh và bền vững. Các vị chức sắc, giáo cả, người có uy tín cần phát huy vai trò hướng dẫn, giáo dục bà con tín đồ tiếp tục chấp hành pháp luật, tạo điều kiện cùng nhau thực hiện chính sách phát triển KT-XH.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III (Ủy ban Dân tộc) Nguyễn Hoàng Hành, ĐBSCL có 17,7 triệu dân thì trong đó có 1,4 triệu là đồng bào DTTS, riêng đồng bào DTTS Chăm chiếm 0,09%. Tuy tỷ lệ dân số ít nhưng đồng bào DTTS Chăm nói chung và ở An Giang nói riêng đã góp phần tích cực, đắc lực trong đoàn kết dân tộc, phát triển đất nước, KTXH, giảm nghèo, góp phần cùng cả nước đạt những thành tựu nổi bật trong những năm qua. Dù có nhiều nỗ lực nhưng đời sống kinh tế và văn hóa của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, y tế còn nhiều hạn chế. Nhân dịp Tết Roya Haji, Vụ Địa phương III kêu gọi đồng bào DTTS Chăm đoàn kết, tăng cường tham gia sản xuất phát triển kinh tế, tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mình và chăm lo, đào tạo, giáo dục cho con em phát huy, giữ gìn tiếng nói, chữ viết để cùng các đồng bào DTTS trong cộng đồng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS trong vùng ĐBSCL, sánh vai với các dân tộc, các vùng, miền trong cả nước.
Nhân dịp Tết Roya Haji của đồng bào DTTS Chăm, Ủy ban Dân tộc đã gửi tặng quà cho đại diện cộng đồng Hồi giáo của tỉnh, 3 tập thể và 50 cá nhân là người có uy tín, người có chức sắc, chức việc và hộ nghèo. Đặc biệt, năm nay với sự tham mưu của Ban Dân tộc, UBND tỉnh hỗ trợ cho 250 hộ nghèo đồng bào DTTS Chăm (300.000 đồng/hộ) để vui Tết. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, Ban Dân tộc tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà, chúc mừng ngày Tết Roya tại tất cả các thánh đường và các tiểu thánh đường. |
MỸ HẠNH