Cảnh sát Myanmar phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình phản đối việc nắm quyền lãnh đạo đất nước của các quan chức quân đội cấp cao tại Yangon, ngày 3-3-2021. Ảnh: AFP-TTXVN
Theo ông Zaw Min Tun, khi tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra tại Jakara (Indonesia) ngày 24-4 vừa qua, Chủ tịch SAC kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing đã trực tiếp nêu tình hình hiện nay tại Myanmar, lắng nghe ý kiến, quan điểm, đề xuất của các nhà lãnh đạo ASEAN.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại, và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm AHA.
Ông Zaw Min Tun khẳng định "các nhà lãnh đạo ASEAN có kinh nghiệm tuyệt vời trong các vấn đề chính trị của từng quốc gia và trong khu vực" và Myanmar luôn đánh giá cao điều này. Theo ông, những vấn đề của các quốc gia trong khu vực có thể được giải quyết phù hợp với Hiến chương ASEAN theo cách thức của ASEAN.
Liên quan đến đồng thuận đạt được trong hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN mới đây, ông Zaw Min Tun cho rằng các đề xuất mang tính xây dựng đối với Myanmar sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng và các chuyến thăm tới Myanmar, do ASEAN đề xuất, sẽ được cân nhắc dựa trên ổn định đất nước vì các ưu tiên vào lúc này của Nay Pyi Taw là khôi phục lại hòa bình và ổn định trong nước.
Người phát ngôn quân đội Myanmar nhấn mạnh nước này sẽ cân nhắc tích cực những đề xuất - có thể tạo điều kiện thuận lợi cho lộ trình 5 điểm mà SAC đưa ra hồi tháng 2 vừa qua trong giai đoạn thực thi tình trạng khẩn cấp, phù hợp với lợi ích của Myanmar cũng như Hiến chương ASEAN và "tinh thần ASEAN". Myanmar sẽ thành lập các nhóm kỹ thuật thực hiện các công việc liên quan và chi tiết về quy trình này sẽ được công bố sau.
Ngoài ra, ông Zaw Min Tun mong muốn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và các cơ quan của LHQ có thể hiểu rõ Myanmar thông qua việc xem xét tình hình thực tế tại nước này. Theo ông, mặc dù hiện vẫn còn tình trạng bạo lực tại Myanmar, song căng thẳng đã giảm bớt khi số người biểu tình cũng đã giảm. Myanmar sẽ duy trì nỗ lực nhằm khôi phục trật tự và ổn định ở nước này.
Theo NGỌC HÀ (Báo Tin Tức)