Vừa qua, trên địa bàn huyện Phú Tân xảy ra giông lốc, mưa lớn làm ảnh hưởng 131 căn nhà ở các xã: Phú An, Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Thọ, Long Hòa và thị trấn Chợ Vàm. Trong đó, xã Phú An bị ảnh hưởng thiệt hại nhiều nhất với 59 căn nhà (10 căn sập hoàn toàn, 49 căn tốc mái, xiêu vẹo). Ước tổng thiệt hại về nhà hơn 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, thiên tai còn gây thiệt hại về nông nghiệp. Nhiều vườn cây ăn trái đang vào thời điểm thu hoạch bị ngã đổ hoàn toàn, gồm cây ăn trái lâu năm và cây màu ngắn ngày, mức độ thiệt hại đang được thống kê. Cơ sở hạ tầng (trong đó có trụ điện, trạm biến áp) cũng bị hư hỏng, thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.
Sau thiên tai, UBMTTQVN tỉnh trao hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại trên 50%, trong đó có 13 căn nhà sập hoàn toàn (5 triệu đồng/căn); 49 căn bị tốc mái, xiêu vẹo (3 triệu đồng/căn), tổng số tiền 212 triệu đồng. Thường trực Huyện ủy, Thường trực UBND huyện, thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự (BĐKH - PCTT và PTDS) huyện chia thành 4 đoàn công tác, trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Đồng thời, trao hỗ trợ trước mắt cho 58 hộ gia đình bị ảnh hưởng, mỗi hộ 1 triệu đồng. Lực lượng tại chỗ khắc phục sự cố; hỗ trợ và thăm hỏi hộ dân bị thiệt hại, bố trí chỗ ở tạm thời.

Khẩn trương khắc phục sau thiên tai
Các địa phương cũng đang tích cực hỗ trợ người dân bị thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Xã Phú Thạnh đã hỗ trợ gia đình bị tốc mái hoàn toàn, mỗi hộ 1 triệu đồng; tiếp nhận hỗ trợ của 1 nhà hảo tâm dành cho mỗi hộ 500.000 đồng. Xã Phú Thọ thăm hỏi, động viên, trao 5 triệu đồng cho mỗi hộ để khắc phục hậu quả. Riêng tại xã Phú An, dự kiến đến 10/5 khắc phục hoàn toàn hộ có nhà sập, tốc mái. Theo Chủ tịch UBND xã Phú An Huỳnh Duy Phương, xã hỗ trợ gia đình sập hoàn toàn 2 triệu đồng/hộ, hộ bị tốc mái 1 triệu đồng; nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương gửi nhiều phần quà hỗ trợ gồm tiền mặt, gạo, mì, đèn năng lượng…
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và các cơ quan chuyên môn, tổng lượng mưa tháng 4/2025 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5 - 10%. Tháng 5 - 6/2025 cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 15%; tháng 7 - 9/2025 xấp xỉ trung bình nhiều năm… UBND huyện yêu cầu Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH - PCTT và PTDS huyện, xã tăng cường theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời thông tin, chủ động ứng phó phù hợp tình hình của địa phương. Trong đó, chủ động đề phòng hiện tượng thời tiết nguy hiểm, đặc biệt trong thời kỳ chuyển mùa và các tháng đầu mùa mưa 2025 (từ cuối tháng 4 trở đi).
Song song với tuyên truyền, cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gia cố, chằng chống, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc. Hệ thống truyền thanh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách nhận biết, biện pháp ứng phó mưa, giông kèm lốc, sét, sạt lở đất… Huy động lực lượng và người dân ra quân cắt tỉa cây xanh, cây to có nguy cơ đổ ngã; kiểm tra biển hiệu pa-nô, biển quảng cáo có khả năng mất an toàn thuộc phạm vi quản lý…
Do địa hình cù lao, có nhiều kênh rạch, UBND huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, xác định khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, đặc biệt nguy hiểm nằm trong cảnh báo của Sở Nông nghiệp và Môi trường; chủ động phương án di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay, địa phương phải có phương án chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm quy định pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng bất thường, cực đoan với cường độ mạnh. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cho công tác phòng, chống thiên tai càng phải được quan tâm toàn diện hơn, chủ động trong ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
MỸ HẠNH