Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, thực hiện Kế hoạch hỗ trợ người trồng lúa của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đơn vị triển khai tập huấn kiến thức canh tác lúa áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái, xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình. Theo đó, tập huấn cho 2.861 lượt nông dân 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nội dung tập huấn xoay quanh Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; kỹ thuật làm đất; quản lý rơm rạ, xây dựng mã số vùng trồng…
Đồng thời, trong vụ thu đông năm 2024, Chi cục triển khai 4 mô hình sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm theo quy trình “1 phải 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái, tổng diện tích 200ha tại các địa phương: An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới. Quá trình canh tác, các mô hình đều đạt hiệu quả cao hơn so với ruộng đối chứng. Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đồng thuận, nhiệt tình của nông dân và sự phối hợp nhịp nhàng của cán bộ kỹ thuật đã giúp mô hình mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ nông dân sản xuất lúa chất lượng cao
Về hiệu quả kinh tế, ruộng mô hình có năng suất lúa trung bình 6,7 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng khoảng 200kg/ha. Đặc biệt, việc sản xuất lúa carbon thấp, áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” kết hợp trồng hoa sinh thái thu hút thiên địch đã giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận, nhờ giảm cho phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, lợi nhuận ruộng mô hình đạt trung bình hơn 31,1 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 5,5 triệu đồng/ha.
Chi cục TT&BVTV nhận thấy, nông dân khi được tập huấn kỹ thuật đầy đủ sẽ an tâm áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái, giúp giảm chi phí đầu tư, giúp nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Cùng với đó, việc nhân rộng mô hình giúp nông dân nâng cao tính cộng đồng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường nông thôn.
Dù đạt được những kết quả tích cực, quá trình triển khai các mô hình cũng gặp khó khăn nhất định, như: Đa số nông dân nằm trong đường nước tập thể nên rất khó áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ. Dù nông dân thấy được lợi ích từ việc xử lý rơm rạ đầu vụ, nhưng nông dân vẫn chưa mạnh dạn áp dụng. Việc nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ cũng gây khó khăn trong quá trình liên kết, áp dụng kỹ thuật của mô hình…
Từ những kết quả đạt được, Chi cục TT&BVTV tỉnh đề xuất tiếp tục thực hiện mô hình trong các vụ lúa tiếp theo rộng rãi hơn. Qua đó, hướng tới mục tiêu không đốt rơm rạ ngoài đồng sau thu hoạch, kết hợp ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý, tận dụng nguồn hữu cơ. Thu hút thiên địch trừ sâu bệnh, giúp giảm chi phí đầu vào, giải quyết tình trạng thiếu lao động và đảm bảo an toàn sức khỏe người sản xuất. Việc áp dụng kỹ thuật từ mô hình cũng giúp kiểm soát, quản lý tốt đồng ruộng, tạo thành vùng nguyên liệu lúa gạo lớn, thu hút doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.
Đồng thời, đề xuất các ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về kỹ thuật sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm theo quy trình “1 phải 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp nông dân tiếp cận kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, cần vận động nông dân tích cực tham gia sản xuất lúa theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, gia tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng hạt gạo An Giang, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Kế hoạch hỗ trợ người trồng lúa giúp nông dân sử dụng hiệu quả đất trồng lúa, canh tác đúng kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện độ phì nhiêu của đất. Đặc biệt, giúp giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân đạm và CO2 trong quá trình sản xuất.
|
THANH TIẾN