Vào thời điểm đó, ông Stephenson đã đề cập đến một thế giới ảo 3D, nơi mỗi người đều có một nhân vật ảo đại diện thay thế. Tuy nhiên, phải đến năm 2021, khi Facebook - công ty mẹ sở hữu mạng xã hội cùng tên và các ứng dụng đình đám khác như Instagram và WhatsApp - cho biết họ sẽ đổi tên thành Meta, “metaverse” mới thật sự trở nên phổ biến với thế giới.
Năm 2022 được đánh giá là năm có triển vọng sáng nhất cho “metaverse”, khi các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Meta, Apple, Microsoft và Google chuẩn bị phát hành các sản phẩm phần cứng và dịch vụ phần mềm mới.
Biểu tượng Facebook và Meta. Ảnh: AFP/TTXVN
Ở một góc nhìn cụ thể hơn
Nếu hiểu theo nghĩa đen thì “meta” có nghĩa là "vượt ra ngoài”, còn “verse” là viết tắt của từ “universe”, tạm hiểu là "vũ trụ". Do đó, chúng ta có thể hiểu đơn giản “metaverse” là một khái niệm nằm ngoài vũ trụ thực. “Metaverse” có thể được xem như là một thế giới mở, người tham gia có thể xây dựng và sống trong thế giới đó.
Hiện tại, “metaverse” có thể được truy cập thông qua điện thoại thông minh, nhưng sau này, “metaverse” sẽ được trải nghiệm thông qua các công cụ thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR).
Các công ty công nghệ lớn đang kỳ vọng rằng những tiện ích nhằm đưa người dùng của họ vào thế giới nâng cao với trí tưởng tượng phong phú sẽ mở ra thị trường phần mềm mới lớn nhất kể từ khi Apple giới thiệu chiếc điện thoại thông minh iPhone có màn hình cảm ứng vào năm 2007.
Nếu “metaverse” thành công thì có lẽ tất cả những người có điện thoại thông minh ngày nay cũng sẽ sở hữu một cặp kính AR chuyên dụng hoặc tai nghe VR trong một vài năm tới.
Theo nền tảng tìm kiếm thông tin Crunchbase, các nhà đầu tư mạo hiểm đã đầu tư 10 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trong thế giới ảo trong năm 2021. Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Meta Mark Zuckerberg cũng đã rất chịu chi với VR và AR trong năm ngoái, với các khoản đầu tư lên đến 10 tỷ USD.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính rằng khoảng 1.350 tỷ USD sẽ được đầu tư vào việc phát triển công nghệ trong vũ trụ “metaverse” những năm tới. Theo những cách tiếp cận rất khác nhau, lần lượt những tên tuổi đình đám như Meta, Apple, Microsoft và Google đều đã sẵn sàng tung ra các sản phẩm phần cứng và phần mềm mới để thống trị thị trường đầy tiềm năng này.
Meta đặt cược tất cả vào “metaverse”
Điều này được thể hiện qua việc trong năm 2021, Facebook đã đổi tên thành Meta Platforms để phản ánh trọng tâm hoạt động mới. Ngoài ra, Meta cũng dẫn đầu so với các đối thủ Big Tech (chỉ các công ty công nghệ lớn) khác trong lĩnh vực “metaverse” với khả năng sản xuất và bán phần cứng VR, đồng thời chiếm đến 75% thị phần vào năm 2021, theo hãng cung cấp dữ liệu IDC.
Trong kỳ nghỉ Giáng Sinh vừa qua, ứng dụng phổ biến nhất trong chợ ứng dụng Apple tại Mỹ là ứng dụng thực tế ảo Oculus được sử dụng với tai nghe Quest 2. Tuy doanh số bán các dòng tai nghe Quest chưa được công bố, nhưng Qualcomm, công ty sản xuất con chip trung tâm của Quest, ước tính Qualcomm đã xuất xưởng 10 triệu chiếc vào tháng 11/2021. Kết quả này đã mang lại những tín hiệu quan trọng và đang tiếp tục được thúc đẩy bởi các chiến dịch quảng cáo truyền hình lớn.
Bên cạnh dòng Quest, Meta đang có kế hoạch phát hành một tai nghe thực tế ảo khác trong năm 2022, có tên gọi là Project Cambria. Thiết bị này có khả năng sử dụng camera bên ngoài để truyền tải thế giới thực đến người dùng. Ngoài ra, Project Cambria cũng có thể theo dõi các chuyển động trên khuôn mặt và mắt, từ đó phản hồi nhanh hơn với các lệnh của người dùng.
Tháng 12/2021, Facebook cũng đã ra mắt một nền tảng xã hội có tên là Horizon Worlds, nơi người dùng có thể tham dự các chương trình hài kịch và chiếu phim bên trong thế giới ảo của Facebook.
Apple: Siêu phẩm hình thành một cách "lặng thầm"
Apple chưa thông báo họ đang nghiên cứu phát triển một chiếc tai nghe VR, nhưng các thông tin cho thấy họ đã thử nghiệm nhiều phương pháp tiếp cận liên quan đến vấn đề này trong nhiều năm. Apple không có thói quen nói về các sản phẩm mới cho đến khi chúng sẵn sàng được tung ra thị trường.
“Gã khổng lồ” nước Mỹ đã và đang đặt nền móng cho một danh mục sản phẩm mới. Những chiếc iPhone đời mới của hãng đã được trang bị máy quét cảm biến Lidar có khả năng đo khoảng cách dựa trên vị trí. iPhone và iPad cũng được cài đặt phần mềm có tên ARkit, cho phép các nhà phát triển tạo ứng dụng sử dụng cảm biến của iPhone để lập bản đồ một cách chính xác.
Những khối công nghệ này đang tạo ra nền tảng cho một sản phẩm hoàn toàn mới, dự kiến là tai nghe cao cấp do Apple sản xuất. Đây sẽ là sự kết hợp giữa thực tế ảo và thực tế tăng cường, có thể ra mắt vào năm 2022.
Google: “Gã khổng lồ” tiên phong của kính AR
Google có lẽ là cái tên đầu tiên mang khái niệm kính AR đến Thung lũng Silicon khi công ty này giới thiệu Google Glass vào năm 2013. Mặc dù cuộc thử nghiệm không được đón nhận nồng nhiệt do Google Glass vẫn còn những hạn chế nhất định vào thời điểm đó, nhưng Google đã không bỏ cuộc.
Gần đây, đã có những dấu hiệu cho thấy Google đang cân nhắc nghiêm túc việc trở lại với thực tế tăng cường. Kể từ lần đầu tiên Google Glass ra mắt, các loại tai nghe AR mới hơn đã được giới thiệu với màn hình tinh vi, cảm biến tốt hơn và bộ vi xử lý mạnh mẽ hơn.
Năm 2020, Google đã mua lại North, một công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất kính AR trọng lượng nhẹ. Công ty này hiện đã thành tập một đơn vị mới tập trung vào việc sản xuất các hệ điều hành cho thực tế tăng cường.
Microsoft: "Chất kết dính" cho thế giới ảo
Nếu như Google là cái tên đầu tiên giới thiệu Google Glass đến Thung lũng Silicon vào năm 2013 thì Microsoft lại là “ông lớn” đầu tiên giới thiệu HoloLens, một sản phẩm tai nghe AR đầy đủ tính năng vào năm 2016, chủ yếu tập trung vào phân khúc doanh nghiệp. Họ bán tai nghe cho doanh nghiệp với giá niêm yết 3.500 USD/chiếc với kỳ vọng làm cho công nhân làm việc hiệu quả hơn.
Khách hàng nổi tiếng nhất của HoloLens là quân đội Mỹ. Microsoft đã giành được một thỏa thuận bán 120.000 chiếc HoloLenses tùy chỉnh cho chính phủ trị giá 22 tỷ USD vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, thời gian bắt đầu thử nghiệm HoloLens của quân đội đã được lùi đến năm 2022.
HoloLens cũng thu hút sự chú ý của các công ty y tế, những người muốn xem liệu thực tế tăng cường có thể giúp cải thiện hoạt động trong các phòng phẫu thuật hoặc thậm chí giúp thực hiện phẫu thuật từ xa hay không.
Microsoft đang đầu tư mạnh mẽ vào dịch vụ đám mây để trở thành “chất kết dính” cho thế giới ảo. Vào tháng 3/2021, tập đoàn này đã công bố Mesh, công cụ cho phép nhà sản xuất phần mềm tạo ra ứng dụng cho phép các thiết bị khác nhau chia sẻ cùng một thực tế kỹ thuật số. Mesh hoạt động giống như một cuộc gọi điện video, với hình ảnh ba chiều.
Microsoft cũng đang tích hợp Mesh vào ứng dụng hội nghị truyền hình Teams của tập đoàn vào cuối năm nay. Các tính năng dành cho trò chơi Xbox cũng đang được hoàn thiện dù chưa có ngày phát hành.
Theo PHƯƠNG NGA (Báo Tin Tức)