Nắm bắt thời cơ kinh doanh mùa dịch

21/09/2021 - 04:05

 - Dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Trong đó, việc sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) cũng rơi vào trạng thái bị động hoàn toàn, nhất là DN nhỏ, mới “startup” (khởi nghiệp). Tuy nhiên, thay vì lựa chọn trì hoãn hoạt động, DN có thể tận dụng khoảng thời gian này để lên kế hoạch, hoạch định cải thiện kinh doanh, xem như bước đệm vững vàng để bứt phá sau dịch.

Thời điểm nhiều tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị chững lại. Kênh bán hàng trực tiếp chuyển sang hình thức trực tuyến (online), thương mại điện tử. Tuy nhiên, vận chuyển hàng hóa khó khăn nên rất nhiều đơn hàng của khách khó giao được. Thay vì để DN phải “ngủ đông”, chị Quách Yến Phượng (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cố gắng tiếp cận thị trường ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc; kết nối với đơn vị vận chuyển còn giao hàng được trong mùa dịch…

Theo chị Phượng, thời gian này, công xưởng sản xuất của công ty tạm ngưng hoạt động vì số lượng hàng hóa xuất xưởng không nhiều, chủ yếu là xuất hàng sẵn có trong kho. “Giai đoạn trước, thị trường chính của công ty là TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi TP. Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, hầu như các đơn hàng ở đây đều bị hủy, không giao được. Các sàn thương mại điện tử tạm ngưng bán về TP. Hồ Chí Minh vì không giao hàng được, hoặc giao chậm, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, tiếp cận với các thị trường ở miền Trung, miền Bắc… nơi có thể vận chuyển và giao hàng được, chủ động kết nối vận chuyển với bưu điện” - chị Phượng thông tin. Đây là cách làm để cải thiện doanh số bán hàng của công ty. Tuy vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn, nhưng đây cũng là cơ hội mở ra hướng phát triển mới trong tương lai.

Các doanh nghiệp chủ động tìm cơ hội trước những thách thức trong mùa dịch

Để trụ vững trong giai đoạn này thật sự là một thách thức lớn, nhưng đừng bi quan mà hãy xem đó là cơ hội quý giá để xem xét, hoạch định hướng đi trong thời gian tới, nhằm thích hợp với cuộc sống bình thường mới. Chị Phượng cho biết, từ khi mới bắt đầu khởi nghiệp, chị mong muốn được chia sẻ và đồng hành cùng các đơn vị khác, hướng đến cổ phần công ty. “Khi có người đồng hành, mình chỉ lo về phần chất lượng sản phẩm và đưa thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ đó, vẫn giữ vững được mục tiêu là mang cây dược liệu Thiên Cấm Sơn phát triển thành sản phẩm tiện dụng cho người tiêu dùng hỗ trợ sức khỏe... Còn đối tác sẽ chịu trách nhiệm phân phối hàng hóa. Tất cả cùng làm, cùng hợp tác, phát triển thế mạnh của công ty” - chị Phượng chia sẻ.

Các sản phẩm: trà lá xạ đen, trà xạ đen túi lọc, trà xạ đen và diệp hạ châu… đều đã có mặt trên nhiều trang thương mại điện tử (Shopee, Lazada…). Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, kênh phân phối này rất hiệu quả, tiếp cận được lượng khách hàng ở nhiều nơi, nên khi tình hình ổn định, công ty sẽ phát triển mảng này nhiều hơn. Chị Phượng rút ra được bài học kinh nghiệm: khi tham gia sàn thương mại điện tử, người bán hàng phải tìm hiểu kỹ thì mới được khách hàng tiếp cận nhiều. Không phải cứ đăng thông tin lên và ngồi chờ là sẽ có đơn hàng. Tất cả cần có kỹ năng, nếu mình không giỏi về lĩnh vực này thì phải đào sâu tìm hiểu, hoặc có thể kết hợp từ các công ty có chuyên môn để hỗ trợ bán hàng tốt hơn.

Chị Vũ Kim Tú (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thái Minh Nguyên, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), cho biết chị vừa “startup”, cung cấp trà dược liệu từ hoa kim ngân. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp cận khách hàng, vận chuyển hàng hóa của công ty. Với mong muốn mang lại món quà sức khỏe cho người tiêu dùng trong thời điểm dịch bệnh, chị Tú nỗ lực nhiều cách để có thể gửi sản phẩm đến tay khách hàng. Trong thời điểm các tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội, đa số đơn vị vận chuyển tạm ngưng. Thấy vậy, chị Tú đổi sang chuyển phát nhanh, chia sẻ chi phí vận chuyển cùng khách hàng… Đối với những khách ở xa, mỗi khi đóng hàng, chị Tú chuẩn bị rất chắc chắn, đảm bảo hàng hóa đến tay khách hàng nguyên vẹn bao bì, chất lượng.

Hiện giờ, có thời gian, ngoài việc cải tạo, đầu tư thêm khu đất trồng kim ngân hoa, chị Tú quan tâm nhiều về truyền thông hình ảnh sản phẩm của mình. “Tôi rất muốn thông qua kết nối truyền thông bằng hình ảnh, giúp khách hàng có thể hiểu được công ty tập trung vào nguồn gốc sản phẩm. Nguồn nguyên liệu kim ngân hoa do công ty tự trồng, tự sản xuất nên đảm bảo độ an toàn, mang trọn vẹn món quà sức khỏe từ tự nhiên đến mọi người” - chị Tú bày tỏ.

Trong giai đoạn dịch bệnh này, ai cũng trải qua khó khăn mang tính “thời đại”. Thay vì nghĩ về tiêu cực, lo lắng về doanh thu, hãy dành thời gian để “xốc” lại tinh thần của chính mình. Ông bà xưa thường nói “Cái khó ló cái khôn”. Mọi chuyện đều có hướng giải quyết, trách nhiệm của chúng ta là tìm ra hướng giải quyết ấy.

ÁNH NGUYÊN