Năm học mới trong tình hình dịch bệnh

06/09/2021 - 06:21

 - Năm học 2021-2022 bắt đầu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Với nhiều thay đổi chưa có tiền lệ, sự nỗ lực của học sinh, nhà trường và phụ huynh, sự cộng đồng trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành và toàn xã hội chung tay đạt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Khắc phục khó khăn

Đến thời điểm này, từng địa phương đã chuẩn bị năm học mới theo các phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và kế hoạch năm học. Tập trung tháo gỡ khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất, sách giáo khoa; quản lý giáo viên đang công tác trên địa bàn nhưng có hộ khẩu nơi khác…

Về chuẩn bị điều kiện cho học sinh học online, nhiều nơi còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, miền núi. Đối với học sinh theo gia đình làm ăn ở tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, giáo viên chủ động liên hệ, hướng dẫn học sinh học online, bố trí bài giảng trên website để học sinh nắm bắt…

Trưởng phòng GD&ĐT TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) Tống Văn Điều cho biết, địa phương cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất, nhất là số phòng học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 2. Về học online, học sinh tiểu học còn gặp khó khăn, khoảng 50% chưa có đủ thiết bị học trực tuyến, bậc THCS thiếu khoảng 20%.

“Giáo viên chuẩn bị tài liệu và hướng dẫn trực tiếp học sinh, khi trở lại học bình thường sẽ tổ chức phụ đạo thêm. Việc học trực tuyến cho học sinh khối 9 và 12 đang được đảm bảo. Đối với số học sinh chưa có điều kiện thì tổ chức cho các em học nhóm với các bạn hoặc gửi tài liệu trực tiếp” - thầy Điều cho biết.

Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho học sinh

Từ 2 tuần trước, hầu hết các trường (trưng dụng làm điểm cách ly tập trung) đã được khử khuẩn, bàn giao lại cho năm học mới. Tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), công tác chuẩn bị năm học mới đã sẵn sàng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Võ Thị Xuân Kiều cho biết, địa phương chỉ đạo tập trung sửa chữa trường lớp, đảm bảo cơ sở vật chất. Thành phố tiêm ngừa gần như toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường công lập, tư thục và nhóm trẻ. Đối với tuyển sinh đầu cấp của các bậc học (mầm non, tiểu học, THCS), thí điểm tuyển sinh bằng dịch vụ công trực tuyến ở một số trường, còn lại thực hiện linh hoạt hoặc liên hệ các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để hỗ trợ trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, các địa phương còn chủ động tiêm ngừa cho giáo viên. Huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã tiêm ngừa vaccine cho tất cả giáo viên trong huyện, còn khoảng 220 giáo viên và 660 học sinh có hộ khẩu tỉnh Đồng Tháp…

“Lo lắng nhất là còn hơn 4.400 học sinh khối 6, 7, 8 và khá đông học sinh tiểu học chưa có điều kiện học trực tuyến. Ngành GD&ĐT huyện yêu cầu giáo viên tận dụng mọi cách phối hợp phụ huynh, hướng dẫn những nội dung cốt lõi nhất cho học sinh, khi học tập trung sẽ phụ đạo cho các em”- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Mới Tống Văn On Em cho biết.

Triển khai linh hoạt, phù hợp

Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm đề nghị hiệu trưởng các trường có giải pháp tuyên truyền gắn với tổ chức thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh theo phương châm “Tất cả vì học sinh”, đặc biệt quan tâm học sinh hoàn cảnh khó khăn… Lưu ý, dạy học trực tuyến phải trên tinh thần tập trung vào cốt lõi, giảm yêu cầu chưa cần thiết, không tạo tâm lý áp lực, nặng nề cho học sinh; sẵn sàng phương án hệ thống kiến thức, kỹ năng, bù đắp những chỗ khuyết do phải tự học tại nhà. Khi được tổ chức học trực tiếp, phải chú trọng vào hiệu quả, không được hình thức, qua loa…

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại địa phương. Ngành GD&ĐT phối hợp với ngành y tế rà soát, xét nghiệm sàng lọc RT-PCR mẫu gộp cho tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh trước khi trở lại trường, đồng thời đề xuất việc tiêm ngừa vaccine cho tất cả cán bộ, giáo viên.

Kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ khi học sinh trở lại trường

“Cần chú trọng nâng chất GD&ĐT, tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Trong đó, lưu ý việc duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1. Tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022” - ông Lê Văn Phước đề nghị.

Toàn tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm và có giải pháp ổn định, tư vấn tâm lý, tư tưởng của học sinh bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài; tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình quản lý, hỗ trợ học sinh (nhất là học sinh tiểu học) trong việc học trực tuyến tại nhà. Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ, tuyển dụng giáo viên ở các môn học, cấp học còn thiếu theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo đủ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày theo quy định; tiếp tục thực hiện lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT, trước hết là để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp...

Bài, ảnh: HỮU HUYNH