Loài được thuần dưỡng sớm nhất
Chó là loài vật được loài người thuần dưỡng và nuôi sớm nhất, cách đây khoảng 13 đến 15 nghìn năm, để giữ nhà và giúp người đi săn. Đây chính là thời kỳ hái lượm và săn bắn khi người nguyên thủy nhận thấy chó có khả năng phát hiện ra con mồi từ xa và có thể giúp săn mồi. Cùng với ngựa, chó là một trong không nhiều loài thú có thể nhận biết được chủ cũ của nó sau nhiều năm xa cách.
Chó là loài được thuần dưỡng sớm nhất.
Loài có khả năng cảm thụ hóa học (mũi) tốt nhất
Theo nhiều nghiên cứu, cơ quan thụ cảm hóa học của nhiều loài động vật phát triển hơn cơ quan thụ cảm hóa học của người. Trong số này, chó, đặc biệt là chó săn phân biệt được rất rõ mùi con mồi trong hàng loạt mùi khác nhau. Chó có thể phát hiện được mùi con vật ẩn nấp trong hang hốc. Do đó, chó trở thành trợ thủ đắc lực cho các cán bộ trinh sát, điều tra tìm ra thủ phạm gây ra tội ác không để lại bất cứ dấu hiệu gì trên hiện trường ngoại trừ hơi người. Bên cạnh đó, nhiều chú chó đã lập nhiều chiến công trong việc tìm ra những hàng cấm như ma túy, thuốc lá lậu được cất giấu, trộn lẫn với những hàng hóa khác.
Trong hoạt động săn mồi, chó cũng là loài động vật sử dụng cơ quan thụ cảm hóa học tốt nhất và hành động ngay. Mũi chó thính hơn mũi người 4.000 lần, phân biệt được hơn 5.000 mùi khác nhau.
Một trong những loài động vật có vùng phân bố rộng lớn
Cùng với sư tử, chó sói sống trong vùng phân bố có đường kính từ 30-70km. Chúng cũng biết đánh dấu lãnh thổ của mình thông qua hoạt động bài tiết phân và nước tiểu ở những khoảng trống dọc các khu rừng.
Loài có chế độ xã hội lâu đời
Chó có xu hướng bầy đàn.
Chính xác là chỉ xếp sau loài người, chó có xu thế bầy đàn (một kiểu xã hội thu nhỏ) trong đó có cá thể đầu đàn với chức năng riêng. Ngoại trừ khu vực thành thị, ở các vùng nông thôn, đặc biệt là tại các làng và các khu rừng, chúng ta vẫn chứng kiền nhiều đàn chó với những con đầu đàn đi kiếm ăn hoặc chạy. Chính hoạt động cùng tấn công trâu rừng của đàn sói (cảnh tượng thường thấy tại các nước châu Phi) là minh chứng rõ nhất cho kiểu hoạt động “xã hội” của chó – săn mồi tập thể. Đây cũng là cách để chó tự vệ, bảo vệ bản thân trước những loài thú lớn.
Loài có tính kiên trì nhất
Trong các loài động vật, chó, đặc biệt là chó sói không rình mồi mà kiên trì rượt đuổi. Chó đầu đàn dẫn đầu và cả đàn chó cố gắng vượt lên trước con mồi để chặn đường buộc con mồi phải quay đầu lại. Lúc đó, cả đàn chó xông lên và bắt con mồi. Với những con mồi to khỏe như trâu rừng, bò rừng, cả đàn sói kiên trì đuổi bắt bằng được, con cắn chân, con nhảy lên người, con vượt lên cắn vào mõm. Ngược lại ở chung với người, chúng ta được chứng kiến chó là “người canh nhà” tin cậy nhất. Đặc biệt, nhiều chú chó không rời chủ nửa bước chân và có thể liều mình vì chủ.
Loài chung thủy nhất
Kết đôi một đực – một cái ở các loài động vật, đặc biệt là động vật có vú (thú) rất hiếm. Trong số này, chó thường sống đôi suốt đời và tạo thành gia đình “một vợ một chồng” suốt đời mặc dù chó là loài thành thục sinh dục khá sớm: khoảng 2 năm tuổi. Điều này khác với các loài thú lớn như voi, hổ, tê giác thường sống “đa thê”.
Loài có tình mẫu tử lớn
Chó là loài động vật rất yêu con. Ngay sau khi đẻ, chó đẻ nuôi con rất hung dữ. Chó mẹ đánh đuổi tất cả các con vật lạ đến gần con của nó. Tình thương của chó mẹ lớn đến mức có trường hợp chó nuôi mèo con hoặc cho cho hổ con bú và nuôi đến lớn. Khi hổ con đã to xác vẫn tưởng chó nuôi là mẹ của nó. Đây chính là trường hợp chú chó Isabella ở Vườn quốc gia Sarafi, Kansas (Mỹ) nuôi ba cá thể hổ con bị mẹ đẻ bỏ rơi. Ngược lại, chó và mèo là hai loài động vật luôn xung đột (dù là vật nuôi trong nhà) và không bao giờ có thể sống gần nhau. Thế nhưng đã có trường hợp mèo bú sữa chó và từ đó hai con vật sống hòa thuận với nhau.
Loài thích nghi nhất trong các dạng vận động
Chó là loài động vật có các kiểu vận động đa dạng nhất. Chó chạy trên mặt đất, trong rừng và có thể bơi trên các dòng sông. Một chú chó dù suốt đời chạy trên mặt đất nhưng khi rơi xuống nước vẫn có thể vùng vẫy và tìm cách bơi vào bờ. Đó là phản xạ thiên bẩm của chó và điều này có được do khả năng thích nghi với những dạng sống khác nhau.
Loài thường ăn thịt loài động vật lớn hơn
Thật ngạc nhiên nhưng thống kê cho thấy con mồi thường bị chó sói tấn công lại chính là những loài thú có cơ thể lớn hơn như bò rừng Bison, tuần lộc, nai, hươu. Thậm chí, khi đói và thiếu thức ăn, chó sói huy động cả đàn để tấn công gấu. Tuy nhiên, không như nhiều người nghĩ, chó sói không tấn công người và thường lẩn tránh khi thấy người.
Loài có tốc độ nhanh nhất chỉ sau báo
Một cá thể loài sói đỏ.
Chó sói có tốc độ nhanh nhất đạt tới 69km/giờ (xếp sau báo với 95km/giờ). Nhưng sói lại rất biết lượng sức. Nếu nhận thấy con mồi chạy nhanh hơn, chúng sẽ bỏ qua để rượt mục tiêu khác.
Một số loài chó được bảo vệ trên thế giới
Chó sói Canis lupus cũng là một trong những loài động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đây là loài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã (CITES) – Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại. Riêng quần thể chó sói Canis lupus ở Bhutan, Ấn Độ, Nepal và Pakistan thuộc Phụ lục I CITES – Nghiêm cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại do số lượng còn rất ít trong tự nhiên.
Chó sói bờm.
Cùng tình trạng tương tự là chó bờm Speothos venaticus cũng thuộc Phụ lục I CITES. Nó còn có tên gọi khác là chó lông rậm. Loài này đã từng có phân bố ở Panama, Colombia, Venezuela, Bolivia, Peru, Ecuador, Guianas, Paraguay, Argentina và Brazil nhưng hiện nay gần như tuyệt chủng.
Chó sói đuôi trắng Nam Mỹ Chrysocyon brachyurus: đây là loài giống cáo với bộ lông màu hơi đỏ, chiều cao tối đa lên đến 102cm, cân nặng tối đa là 34kg. Loài này chỉ có phân bố trong tự nhiên ở Brazil, Paraguay, Argentina, Bolivia, Peru và Uruguay. Do số lượng không còn nhiều trong tự nhiên, chó sói đuôi trắng Nam Mỹ thuộc Phụ lục II CITES – Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
Sói nhỏ Lycalopex fulvipes: loài này chỉ có phân bố ở Chile. Với thông tin còn rất ít và số lượng cũng khá hiếm, sói nhỏ thuộc Phụ lục II CITES – Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
Chó sói nhỏ.
Sói đỏ Cuon alpinus thuộc Phụ lục II CITES – Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại. Loài động vật này còn có tên gọi khác như chó hoang châu Á, chó hoang Ấn Độ. Sói đỏ có phân bố rộng lớn, ở khắp các nước Nam Á và Đông Nam Á, xuất hiện ở Việt Nam và Liên bang Nga.
Loài có nhiều họ hàng nhất thế giới
Với nhiều tên gọi khác nhau như khuyển, cầy, cẩu, cún (chó con), chó có nhiều họ hàng nhất thế giới với 37 loài, trong đó có cả cáo. Chúng có thể sống ở khắp nơi: trên đảo (sói đảo Vancouver), sói Nhật Bản, sói Tây Tạng, sói Ấn Độ, chó sói Iran, chó sói A rập, chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ, chó rừng Úc Dingo, chó sói đỏ Bắc Mỹ, chó sói Ethiopia, chó rừng vằn hông, chó rừng lông vàng, chó rừng lưng đen. Ở Việt Nam có chó Phú Quốc cũng là một trong những loài chó quý hiếm.
Loài động vật duy nhất được phong quân hàm
Chó được phong quân hàm.
Có thể do gắn bó với đời sống con người từ hàng nghìn năm, chó đã tham gia vào nhiều lĩnh vực của xã hội. Quân khuyển – đội quân chó – trợ thủ đắc lực cho lực lượng quân đội trong các cuộc chiến, tuần tra, cứu hộ cứu nạn… Chó nghiệp vụ giúp lực lượng công an điều tra hiện trường, khám phá thành công những vụ án phức tạp… Với khả năng phối hợp cực tốt với các binh lính trong chiến đấu, chó có thể đi trước dò mìn, đánh hơi được các mối nguy hiểm từ xa hoặc làm nhiệm vụ canh gác đêm tốt hơn con người rất nhiều.
Chừng đó cũng đủ nói lên những thành tích của chó. Và đã có những chú chó được phong quân hàm như những sĩ quan thực thụ. Tại Mỹ, chó đã được phong quân hàm cao nhất là trung tá. Đội chó vệ sĩ phục vụ Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam có quân hàm đại úy.
Ngày 21-3-1945, chú chó dò mìn “Julbars” được Nhà nước Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết tặng thưởng Huân chương “Vì những thành tích trong chiến đấu”. Julbars phục vụ trong Lữ đoàn công binh tấn công số 14. Chú chó này đã tham gia vào việc phát hiện và phá mìn cho rất nhiều thành phố ở châu Âu.
Chó nghiệp vụ sát cánh với bộ đội biên phòng.
Theo BẢO TỒN (Nhân Dân)