Tỷ giá và lãi suất - những lựa chọn khó khăn
“Khó khăn” và “Vất vả” có lẽ là hai cụm từ mô tả một cách phổ quát nhất về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.
TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết sau đại dịch Covid-19, phần lớn các quốc gia đều tin tưởng rằng các khó khăn sẽ từng bước được xử lý. Chẳng hạn, sự đứt gãy chuỗi cung ứng có thể hàn gắn lại, các giải pháp để hóa giải các hệ lụy từ các gói tài chính-tiền tệ hỗ trợ trong đại dịch sẽ phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022 đã thay đổi cục diện thị trường thế giới. Cụ thể, các lệnh cấm vận của Mỹ và các quốc gia châu Âu với Nga, cùng sự đáp trả của Nga với các quốc gia phương Tây này về khí đốt đã tạo ra khủng hoảng năng lượng, làm trầm trọng hơn sự đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến lạm phát bùng phát ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Với bối cảnh trên, sự phản ứng ở các quốc gia nổi bật lên là chính sách tiền tệ, qua việc tăng nhanh lãi suất. Điển hình là Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã dồn dập tăng lãi suất đô-la Mỹ, đưa lãi suất cho vay ở Mỹ lên mức 4,5%.
“Lãi suất đô-la Mỹ tăng cao không chỉ khiến tỷ giá đô-la Mỹ tăng mạnh, có lúc chỉ số USD Index tăng 15%, mà còn tạo ra chu chuyển đưa đồng đô-la Mỹ quay trở về thị trường Mỹ. Điều này dẫn đến hệ quả là đồng tiền của các quốc gia trên thế giới đều mất giá mạnh, dù họ đều tăng lãi suất nhanh như Mỹ”, ông Phước nói.
Lãi suất đô-la Mỹ tăng cao không chỉ khiến tỷ giá đô-la Mỹ tăng mạnh, có lúc chỉ số USD Index tăng 15%, mà còn tạo ra chu chuyển đưa đồng đô-la Mỹ quay trở về thị trường Mỹ. Điều này dẫn đến hệ quả là đồng tiền của các quốc gia trên thế giới đều mất giá mạnh, dù họ đều tăng lãi suất nhanh như Mỹ.
TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Bối cảnh này khiến chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng đang đối mặt với “tam giác bất khả thi”, gồm: Mối quan hệ giữa chính sách lãi suất; chính sách tỷ giá hối đoái; dòng vốn nước ngoài. Để bảo đảm dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, chỉ có một trong hai lựa chọn là ổn định lãi suất hoặc ổn định tỷ giá hối đoái.
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thể cùng một lúc thực hiện cả 2 nhiệm vụ. Đây đang là lựa chọn khó khăn nhất của chính sách tiền tệ”, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, phân tích.
Cụ thể, với lựa chọn lãi suất, lãi suất đồng Việt Nam (VND) phải tăng lên để tránh việc chênh lệch lãi suất khiến dòng vốn chảy ra khỏi Việt Nam, cũng như không hấp dẫn dòng tiền từ nước ngoài vào.
Với lựa chọn tỷ giá hối đoái, khi Mỹ tăng lãi suất, đồng đô-la Mỹ đã lên giá và khiến phần lớn các đồng tiền khác trên thế giới đều giảm giá so với đô-la Mỹ, từ đó tạo ra áp lực giảm giá rất lớn với đồng Việt Nam.
Trong trường hợp đồng Việt Nam không mất giá, khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế
“Trong trường hợp đồng Việt Nam không mất giá, khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Điều này tác động rất lớn tới nền kinh tế bởi xuất khẩu là mũi nhọn tăng trưởng chính. Bên cạnh đó, để duy trì ổn định tỷ giá, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ phải hao tổn một lượng dự trữ ngoại tệ không nhỏ”, ông Ánh phân tích.
Ổn định tỷ giá góp phần ổn định vĩ mô
Với bối cảnh kinh tế Việt Nam, các cơ quan quản lý đã lựa chọn giải pháp ổn định tỷ giá. Ngày 4/7/2022, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã nâng giá bán đô-la Mỹ thêm 150 đồng, lên mức 23.400 đồng một đô-la Mỹ - chỉ 53 ngày sau khi nâng giá bán đô-la Mỹ thêm 200 đồng. Cơ quan này cũng đồng thời chuyển từ phương thức giao dịch bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay, nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trên thị trường.
Tới 18/7, tỷ giá trung tâm USD/VND do Ngân hàng Nhà nước niêm yết tăng thêm 20 đồng, lên mức 23.245 đồng một đô-la Mỹ, qua đó đánh dấu đà tăng nhanh trong nhiều năm trở lại đây khi tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng đến 135 đồng chỉ trong hơn nửa đầu tháng 7. Động thái này cũng khiến giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng tăng 180-200 đồng chỉ trong vòng vài tuần đầu tháng 7.
Từ cuối tháng 8, tỷ giá USD/VND bắt đầu tăng mạnh do tâm lý kỳ vọng của thị trường. Thậm chí có những ngày ngân hàng phải thay đổi biểu tỷ giá giao dịch theo từng giờ.
Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước lần lượt điều chỉnh lãi suất điều hành, tỷ giá trung tâm và biên độ giao dịch.
Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn lần đầu tiên sau hai năm. Nhưng động thái này không khiến thị trường hạ nhiệt.
Với bối cảnh kinh tế Việt Nam, các cơ quan quản lý đã lựa chọn giải pháp ổn định tỷ giá.
Giữa tháng 10, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và đô-la Mỹ được nới từ 3% lên 5%. Đồng thời, giá bán đô-la Mỹ cho các ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng lần thứ ba chỉ trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, tỷ giá vẫn tiếp tục gia tăng. Trên thị trường chính thức, các ngân hàng giao dịch ở mức cao nhất trong biên độ cho phép. Trên thị trường tự do, lần đầu tiên 1 đô-la Mỹ được giao dịch ở mức 25.000 đồng.
Lúc này, công cụ lãi suất tiếp tục được sử dụng. Ngân hàng Nhà nước nâng tiếp lãi suất điều hành vào cuối tháng 10, một tháng sau lần điều chỉnh lãi suất đầu tiên. Đồng thời nâng trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng từ 5% lên 6% - bằng mức trước dịch và tương đương giai đoạn năm 2014.
Những giải pháp này, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, vừa là những giải pháp tình thế, bảo đảm tính cần thiết và kịp thời, vừa phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới cũng như điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
“Mục đích là ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng với những biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống”, ông Tú nhấn mạnh.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Động thái mạnh tay từ Ngân hàng Nhà nước khiến yếu tố thúc đẩy tỷ giá tăng liên tục thời điểm đó, là tâm lý kỳ vọng, được khống chế. Ngoài ra, diễn biến đồng đô-la Mỹ trên thị trường quốc tế cũng hạ nhiệt, giảm bớt sức ép cho thị trường.
Cụ thể, tỷ giá đã nhanh chóng hạ nhiệt trong tháng 11 và tháng 12. Tính đến hết phiên 28/12, giá đô-la Mỹ tại Vietcombank đã giảm xuống mức 23.400 đồng ở chiều mua vào và 23.750 đồng ở chiều bán ra, tương ứng mức tăng 3,6% so với cuối năm 2021 và giảm khoảng 4,5% so với mức đỉnh ghi nhận vào cuối tháng 10/2022.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã nối lại hoạt động mua ngoại tệ sau hơn 3 tháng tạm dừng với việc đưa ra giá chào ở mức 23.450 đồng một đô-la Mỹ.
Cơ quan này có 5 lần giảm giá bán đô-la Mỹ tại Sở Giao dịch với tổng cộng 90 đồng - mức tương đối nhỏ so với 6 lần tăng mạnh trước đó, nhưng phát đi tín hiệu vấn đề tỷ giá đã không còn căng thẳng như giai đoạn trước.
Tổng kết lại, ông Đào Minh Tú cho rằng duy trì ổn định tỷ giá là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất thời gian vừa qua vì “nếu không giữ được tỷ giá, chúng ta sẽ mất rất nhiều thứ”.
“Với nhiều nỗ lực, hiện đồng Việt Nam chỉ giảm khoảng 3,81% so với đầu năm, mức mất giá này thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng đáp ứng. Ngân hàng Nhà nước có thể mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối”, ông Tú cho biết.
Theo HOÀNG THẮNG (Nhân Dân)