Các bài viết công kích, vu khống nhận nhiều lượt quan tâm
Sự việc khởi nguồn từ một chuyện trên MXH, một nhà biên kịch có tên “Bình Bồng Bột” nói những ngôn từ không chuẩn mực, nhắm đến khán giả, sinh viên 1 trường đại học tại buổi trò chuyện ngày 13/9. Người này đăng lời xin lỗi chân thành và dân mạng không truy cứu.
Thế nhưng, đến tối 21/9, trên tài khoản Facebook “Vo Quoc” (đầu bếp Võ Quốc, người dùng Facebook đã có tick xanh) chia sẻ lại bài xin lỗi của "Bình Bồng Bột", kèm lời lẽ rất thô tục, có tính chất miệt thị, xúc phạm báo chí và nhà báo. Bị cư dân mạng phản ứng mạnh, tài khoản Facebook “Vo Quoc” cho biết, đã xóa hết thông tin. cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý.
Ngày 2/10, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP. Hồ Chí Minh phối hợp các đơn vị chức năng làm việc với ông Võ Đình Quốc. Qua buổi làm việc, ông Quốc thừa nhận hành vi xúc phạm báo chí của mình. Ông Quốc nhận trách nhiệm, cam kết không tái phạm và sẽ công khai xin lỗi trên Facebook. Cùng ngày, Giám đốc Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với ông Võ Đình Quốc (chủ tài khoản Facebook “Vo Quoc”) về phát ngôn xúc phạm báo chí trên MXH.
Chia sẻ việc này, luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư An Giang) cho biết, việc tiếp cận, kết nối, chia sẻ thông tin qua MXH giờ đây đã trở nên phổ biến. Trên MXH, người dùng có thể tạo kênh xây dựng hình ảnh cá nhân, phát triển cộng đồng có chung mối quan tâm và nhận thức về vấn đề xã hội nào đó mà không bị giới hạn bởi thời gian, không gian.
Tuy nhiên, MXH có thể là nơi mà người dùng phát tán những thông tin vi phạm bí mật đời tư cá nhân, thông tin bảo mật của doanh nghiệp hay nặng nề hơn là xúc phạm, lăng mạ người khác. Ở địa bàn An Giang không ngoại lệ, nhưng hầu hết các trường hợp “gặp nhau xin lỗi rồi cho qua”.
Tuy nhiên, vụ bà Nguyễn Phương Hằng lên MXH livestream vừa bị tòa án phạt 3 năm tù, nhưng nhiều người vẫn không sợ. Để hạn chế, pháp luật đã vào cuộc nhưng cần phải đi đến cuối cùng”.
Theo Bộ TT&TT, cả nước hiện có khoảng 123,76 triệu thuê bao di động, trong đó 92,88% là thuê bao di động thông minh (smartphone), chiếm khoảng 75%, hàng ngày có khoảng 1 triệu thuê bao mới. Nếu chịu khó quan sát, sẽ thấy hầu hết trường hợp lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hầu hết xảy ra trên MXH.
Để điều chỉnh chuyện này, Luật An ninh mạng đã chỉ rõ những hành vi xâm phạm an ninh mạng cần phòng ngừa, xử lý: “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”… Nghĩa là bất kỳ ai dùng MXH cũng phải biết điều đó, không thể nói rằng vì “Tôi không biết luật nên tôi sai, tha cho tôi đi”…
Lường trước những nguy cơ này, từ năm 2021, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH. Trong đó, hướng dẫn người dùng không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.
Quyền tự do dân chủ là quyền hiến định, ai cũng có thể sử dụng quyền này để bày tỏ ý kiến, quan điểm. Thế nhưng, việc bày tỏ đó phải trong khuôn khổ của pháp luật và đạo đức, không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người khác, tổ chức khác; không xâm phạm đến bí mật đời tư, đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác...
Điều 21 Hiến pháp đã khẳng định rất rõ, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Nếu người nào phạm vào những điều trên thì chắc chắn sẽ bị xử lý theo pháp luật. Về dân sự, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có nguy cơ bị đối tượng mà mình xúc phạm kiện ra tòa, nhẹ nhất phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho cá nhân, tổ chức mà mình xâm hại. Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự hiện hành, người dùng MXH vi phạm có thể bị phạt hành chính đến 10 triệu đồng.
ThS Nguyễn Hồng Hoai, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia An Giang cho biết, dùng MXH là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, làm ăn, học hành... Tuy nhiên, nếu người dùng không khéo hoặc thiếu văn minh thì họ rất dễ trở thành “con tin” trước đám đông hoặc bị phạt tiền, tù tội. Về việc này, pháp luật đã xử lý khá nhiều. Lời nói ra không lấy lại được và hậu quả không hề nhỏ.
Vì vậy, việc dùng MXH cần phải có chuẩn mực, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không chạy theo số đông. Ở An Giang, đối tượng sử dụng MXH vi phạm có xảy ra nhưng thuộc hành vi không nặng, chỉ cần nhắc nhở, giáo dục, một số trường hợp có thể xử phạt vi phạm hành chính. Để không còn xảy ra vấn nạn lộng ngôn, mỗi người dùng MXH cần có riêng một bộ quy tắc cho chính mình. Đó là dùng MXH văn minh, lịch sự, tuân thủ quy định của pháp luật”.
N.R