Nâng cao chất lượng giáo dục

29/03/2018 - 06:59

 - Chợ Mới có 21 trường mầm non, 47 trường tiểu học, 19 trường THCS, 7 trường THPT, với hơn 62.000 học sinh (HS). Phát huy truyền thống hiếu học, thời gian qua, chất lượng giáo dục (GD) huyện Chợ Mới (An Giang) chuyển biến tích cực, dần đi vào chiều sâu.

Các trường thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành phẩm chất đạo đức, phát triển năng lực HS. Chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn cho HS.

Ngành GD huyện Chợ Mới quan tâm đổi mới công tác quản lý và thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD, nhằm mục tiêu GD toàn diện cho HS. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; khi lên lớp giáo viên (GV) soạn bài và sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng phương tiện công nghệ thông tin để minh chứng cụ thể, giúp HS tìm hiểu bài nhanh hơn. Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư xây dựng, thay thế hoặc theo lộ trình đạt chuẩn quốc gia. 

Hoạt động giáo dục ngoại khóa

Trưởng phòng GD và Đào tạo huyện Chợ Mới Tống Văn On Em chia sẻ: “Đối với bậc THCS, các trường thực hiện kế hoạch dạy đúng nội dung, phù hợp với trình độ tiếp thu của từng đối tượng HS. Các tổ chuyên môn và GV các trường linh hoạt trong xây dựng kế hoạch GD định hướng, phát triển năng lực HS phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng HS. GV rà soát chương trình, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; xây dựng chủ đề tích hợp, liên môn; chú trọng GD đạo đức HS và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật”.

Đến các trường tiểu học, Hiệu trưởng trường cho biết: cấp tiểu học dạy học và đánh giá kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm lý HS tiểu học; đổi mới phương pháp dạy và học; triển khai việc dạy học theo hướng phân hóa HS ở tất cả lớp học. Tăng cường GD đạo đức, kỹ năng sống; đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.

Đặc biệt, tất cả các trường tiểu học triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột”, giảm tỷ lệ HS bỏ học; tăng cường cơ hội tiếp cận GD trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; triển khai dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới ở những nơi có đủ điều kiện; phát huy tính chủ động, sáng tạo, khả năng tự học của HS.

Khen thưởng HS giỏi

GV tâm huyết hết lòng, hết sức truyền đạt những kiến thức, diễn giải một cách dễ hiểu, minh họa gần gũi trong sách giáo khoa giúp HS có thể tiếp cận đến tự hiểu. HS phải tự mình tìm ra đáp án dưới sự gợi ý, giải thích của GV, khắc sâu kiến thức cho HS thông qua việc đặt ra nhiều câu hỏi cho từng phần.

Đối với HS chưa hiểu bài, GV ân cần giải thích cặn kẽ, khuyến khích đọc trước bài mới để có những cảm nhận đầy đủ, giúp tiếp thu bài nhanh hơn. Chủ nhiệm lớp luôn dành sự quan tâm cho HS sâu sát, tìm hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh HS, hỗ trợ HS nghèo.

Đặc biệt, nắm năng lực học tập từng HS, qua đó hướng dẫn, phân công HS có thành tích học tập tốt kèm cặp, động viên HS yếu để các em vươn lên.

Ông Tống Văn On Em cho biết: “Chợ Mới phát động mô hình trường học 4 không rất hiệu quả, 85/85 đơn vị trường đều triển khai cho HS đăng ký thực hiện. Đối với cấp THCS thực hiện 4 không: lớp học không có bạo lực; không có HS nghiện game; không có HS nói tục, chửi thề; không có HS hút thuốc lá, uống rượu, bia.

Riêng cấp tiểu học thực hiện 3 nội dung: lớp học không có HS bạo lực; không có HS nghiện game; không có HS nói tục, chửi thề. Qua đó, tăng cường GD đạo đức HS, giúp ngăn chặn các biểu hiện không tốt của HS”.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU