Chữa bệnh bằng cái tâm
Đến Tổ Đông y ấp Hưng Thới 2 (xã Phú Hưng), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi cảnh nhộn nhịp nơi đây. Mỗi người một công việc: chặt thuốc, phơi thuốc, bốc thuốc... đã tạo nên bầu không khí náo nhiệt tại phòng khám.
Ông Đăng Văn Kul, Tổ trưởng Tổ Đông y ấp Hưng Thới 2 cho biết, tổ có 1 lương y, 3 người châm cứu cùng với sự hỗ trợ của trên dưới 20 người, các thành viên hoạt động với tinh thần tự nguyện, không vì lợi ích, mong sao được góp một phần công sức để giúp đỡ người nghèo.
Mỗi ngày, tổ đón tiếp từ 100-120 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về: gan, phổi, đau lưng, nhức mỏi... Người bệnh không chỉ là những người ở địa phương, mà còn đến từ các tỉnh ĐBSCL và cả miền Đông...
Các phòng khám, Tổ Đông y trên địa bàn huyện Phú Tân được cho là cứu cánh của bệnh nhân nghèo
Hầu hết các lương y cũng như các thành viên tại các phòng khám, Tổ Đông y trên địa bàn huyện đều hoạt động với tinh thần tự nguyện. Lương y Bùi Hữu Viên, hoạt động tại Phòng Chẩn trị đông y ấp Hưng Thạnh (xã Phú Hưng) chia sẻ: “Thấy đời sống người dân ở đây còn nghèo, đau bệnh, tôi từng có người thân bị bệnh nên hiểu được sự khó khăn của họ. Chỉ mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình để mang đến cơ hội được chữa bệnh cho nhiều người. Được thấy niềm vui của những bệnh nhân khi điều trị ở đây là điều tôi vui nhất”.
Theo lương y Bùi Hữu Viên, phòng khám nhận được sự quan tâm, đóng góp của các nhà hảo tâm trong việc sưu tầm thuốc, trang bị cơ sở vật chất... nên có thể duy trì hoạt động thường xuyên.
Hiện nay, mỗi ngày phòng nhận khám và cấp thuốc cho 30-40 lượt bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Hầu hết người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, họ tìm đến đây, xem như là một “cứu cánh” bởi phòng khám miễn phí hoàn toàn từ việc khám bệnh đến cấp thuốc.
Cứu cánh cho bệnh nhân nghèo
Không chỉ xã Phú Hưng mà nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Phú Tân, công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo được quan tâm. Theo Hội Đông y huyện Phú Tân, toàn huyện có 43 phòng khám của các chi hội ở các xã, ấp. Bình quân mỗi tháng khám và điều trị từ 15.000-18.000 lượt bệnh nhân.
Bác sĩ Đoàn Hữu Mẫu, Chủ tịch Hội Đông y huyện Phú Tân cho biết, các phòng khám được phân bổ đều trên địa bàn huyện nên thuận lợi cho bà con đến khám và điều trị bệnh. Ngoài ra, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, cũng như sự đóng góp tích cực của nhiều nhà hảo tâm, giúp cho các phòng khám trang bị cơ sở vật chất, mở rộng quy mô để phục vụ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân...
“Tất cả đều được miễn phí, từ khám, điều trị bệnh cho đến thuốc uống, đã góp phần giúp đỡ bệnh nhân nghèo tại địa phương và những địa phương khác khi có nhu cầu. Ngoài ra, còn có một số phòng khám đã khám, điều trị hết bệnh cho những bệnh nhân ở các tỉnh như: Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh... tạo được sự tín nhiệm của bà con. Từ đó, nhiều người đã đóng góp về tài chính, thuốc men cho một số phòng khám, giúp các phòng khám duy trì hoạt động”- bác sĩ Đoàn Hữu Mẫu cho biết.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Mẫu, việc duy trì hoạt động tại các cơ sở khám, chữa bệnh đông y trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí hoạt động do Nhân dân đóng góp tùy lòng hảo tâm và thu nhập cá nhân nên thiếu yếu tố bền vững. Thầy thuốc đa số lớn tuổi; lực lượng kế thừa còn hạn chế, trong khi chính sách đãi ngộ không có, nên các thầy thuốc trẻ thường tìm việc khác để mưu sinh. Ngoài ra, nguồn dược liệu tự nhiên ngày càng khan hiếm, việc sưu tầm tốn kém và khó khăn nên chủng loại thuốc ngày càng ít đi, trong khi nguồn dược liệu nuôi trồng tại chỗ còn hạn chế...
ĐỨC TOÀN