Nâng cao đời sống người dân vùng biên giới

06/08/2024 - 06:38

 - Từ khi Tân Châu được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn đô thị loại III (vào ngày 19/12/2019), ngoài không gian đô thị được nâng cấp, mở rộng, hạ tầng giao thông được kết nối thông suốt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn được nâng lên đáng kể, đặc biệt là các xã biên giới Vĩnh Xương và Phú Lộc.

Trồng xoài sạch xuất khẩu

Hạ tầng giao thông phát triển

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Nguyễn Minh Tài chia sẻ, năm 2024 , Phú Lộc được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới (NTM), Nhân dân rất phấn khởi bởi giao thông từ xã đến các ấp được kết nối thông suốt. Đường thép, đường cộ nội đồng được phục hồi, phục vụ tích cực cho vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản (xoài, dưa lưới) bán có giá hơn.

Từ xã Phú Lộc về trung tâm hành chính của TX. Tân Châu, đường đi không còn cảnh “nắng bụi, mưa bùn” như những năm đầu sau giải phóng. Con đường này, nay trở thành Quốc lộ 80B, có điểm đầu được kết nối vào Quốc lộ 80 (thuộc địa bàn xã Tân Phú Đông, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), điểm cuối là xã Vĩnh Xương.

Không chỉ có Quốc lộ 80B mà các cung đường từ trung tâm xã Vĩnh Xương, Phú Lộc đi các ấp trong địa bàn biên giới đã được thảm nhựa phẳng phiu, xe 4 bánh đã đến được văn phòng các ấp ở khu vực biên giới.

“Người dân vùng biên giới luôn biết ơn Đảng và Bác Hồ. Bà con thể hiện tấm lòng biết ơn đó bằng 2 câu thơ “Độc lập, tự do nhờ ơn Đảng; áo ấm cơm no nhớ Bác Hồ”. Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, quản lý linh hoạt của Nhà nước trong việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội (điện, đường, trường, trạm) thì xã Vĩnh Xương, Phú Lộc không được như ngày hôm nay” - ông Huỳnh Văn Minh (ấp 1, xã Vĩnh Xương) chia sẻ.

2 xã biên giới Vĩnh Xương, Phú Lộc đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Vĩnh Xương, Phú Lộc chỉ hơn 14 triệu đồng/người/năm, đến năm 2022 đã hơn 57 triệu đồng/người/năm (tăng gần hơn 43 triệu đồng) và nay con số này tăng lên 60 triệu đồng/người/năm.

“Hạ tầng giao thông được kết nối, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh về đây mở vựa trái cây, đóng xoài đưa đi xuất khẩu, nhờ đó người dân địa phương có việc làm ổn định”- bà Trịnh Thị Lài (ấp Phú Quý, xã Phú Lộc) phấn khởi.

Nuôi dê lấy thịt

Mạnh dạn chuyển đổi

Từ năm 2016 - 2019, phong trào trồng xoài xuất khẩu phát triển rầm rộ ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang và TP. Cần Thơ… người dân vùng biên giới Vĩnh Xương, Phú Lộc đã mạnh dạn thay đổi tư duy, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài cát Hòa Lộc cùng các loại cây có múi để đưa đi xuất khẩu. Chỉ tính riêng vùng xoài nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đã có 600ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng xoài keo, xoài cát Hòa Lộc.

Những năm 2018, 2019, xoài cát Hòa Lộc có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, nhà ngói, nhà đúc ở các ấp trong xã Vĩnh Xương, Phú Lộc mọc lên rất nhiều. “Nông dân vùng biên giới đã thay đổi nhận thức, tư duy. Trước đây, mình sản xuất và bán sản phẩm mình có, nay mình bán sản phẩm thị trường cần”. Chính tư duy này đã giúp cho nông dân vùng biên giới khá lên” - ông Huỳnh Văn Hiệp (Giám đốc HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc) khẳng định.

Mạnh dạn chuyển đổi tư duy, mô hình sản xuất đã làm cho đời sống của nông dân biên giới khấm khá. Không chỉ có trồng xoài, nhiều mô hình sản xuất mới ra đời trên vùng đất này như: Mô hình trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, nuôi lươn sạch, nuôi dê công nghệ cao, nuôi bò theo mô hình kinh tế tuần hoàn, trồng nhãn Idol... “Trong vận động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn biên giới, chúng tôi luôn nhận thức rằng, mình muốn bà con làm cái gì thì mình phải làm trước để người dân noi theo.

"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Như trong vận động thực hiện các mô hình cải thiện sinh kế người dân vùng nông thôn, biên giới thông qua mô hình nuôi dê, trồng xoài xuất khẩu, chúng tôi đã đi trước và thực hiện có hiệu quả, từ đó bà con đã làm theo” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc Hồ Văn Ức cho hay.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp giúp người dân 2 xã biên giới Vĩnh Xương, Phú Lộc có đời sống phát triển, bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và luôn gắn bó mật thiết với hệ thống chính trị. Đây là tiền đề quan trọng đưa TX. Tân Châu lên thành phố sau năm 2025.

MINH HIỂN