Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, góp phần tăng trưởng

23/08/2020 - 19:11

 - Những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) ở huyện An Phú đạt nhiều kết quả tích cực, hoạt động của bộ máy cơ quan hành chính từ huyện đến xã có nhiều thay đổi, vận hành theo hướng tiến bộ. Đặc biệt là khả năng đáp ứng được nhiệm vụ, thẩm quyền sau khi được phân cấp quản lý trong từng ngành, từng lĩnh vực; ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao.

Mô hình “Phân công luân phiên cán bộ viết hộ cho người dân” tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả xã Phước Hưng là một trong những mô hình tiêu biểu. Người dân được hỗ trợ ghi thay các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan và giải quyết ngay các thủ tục hành chính (TTHC) theo danh mục được phê duyệt. Xã Đa Phước thí điểm mô hình “Giao bưu điện tiếp nhận và trả kết quả tại nhà cho người dân”, 6 tháng đầu năm 2020 đã tiếp nhận và trả tại nhà 308 hồ sơ. Ở xã Vĩnh Hội Đông và xã Khánh An có mô hình trao thư chúc mừng khi cấp giấy chứng nhận kết hôn, thư chia buồn đối với gia đình khi cấp giấy chứng tử... Đây là các mô hình do huyện chủ trương thực hiện và được Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh công nhận. Với sự nỗ lực, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở, huyện An Phú đã thực hiện chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2016-2020 đạt được kết quả rất tích cực.

Trưởng phòng Nội vụ huyện An Phú Đào Văn Phi cho biết, về cải cách thể chế, huyện thực hiện tốt quản lý thống nhất việc xây dựng, thẩm định, ban hành, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính pháp lý, từ đó nâng cao hiệu quả, tính khả thi của các văn bản quản lý nhà nước. Trong 5 năm, HĐND, UBND huyện đã ban hành 83 văn bản quy phạm pháp luật, qua rà soát có 44 văn bản còn hiệu lực, 39 văn bản hết hiệu lực.

Về cải cách TTHC, huyện đã đầu tư xây dựng trụ sở và thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả từ huyện đến cơ sở để thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết TTHC và trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Điểm nổi bật là đã lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại 14 xã, thị trấn từ năm 2016. Đây là mô hình huyện An Phú thực hiện tiên phong. Song song đó, huyện chủ trương thực hiện một số mô hình và được Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh công nhận như: xã Phước Hưng với mô hình “Phân công luân phiên cán bộ viết hộ cho người dân” tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả. Người dân được hỗ trợ ghi thay các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan và giải quyết ngay các TTHC theo danh mục được phê duyệt. Xã Đa Phước thí điểm mô hình “Giao Bưu điện tiếp nhận và trả kết quả tại nhà cho người dân”, 6 tháng đầu năm 2020 đã tiếp nhận và trả tại nhà 308 hồ sơ. Xã Vĩnh Hội Đông, xã Khánh An với mô hình “Trao thư chúc mừng khi cấp giấy chứng nhận kết hôn, thư chia buồn đối với gia đình khi cấp giấy chứng tử”...

Bên cạnh đó, huyện thực hiện 5 công khai, gồm: thủ tục, quy trình, lệ phí, thời gian, công chức giải quyết tạo thuận lợi cho việc giám sát của nhân dân, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Qua 5 năm, đã tiếp nhận hơn 571.034 lượt hồ sơ. Trong đó, giải quyết đúng hạn 568.218 hồ sơ, quá hạn 474 hồ sơ, chưa đến hạn 2.342 hồ sơ.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, UBND huyện đã sắp xếp, kiện toàn 13 cơ quan chuyên môn, 4 đơn vị sự nghiệp cấp huyện và 1 đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên; đồng thời ban hành 18 quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị.

Số lượng cấp phó bố trí không vượt quy định, thực hiện tinh giản biên chế đúng theo lộ trình. Cụ thể: về biên chế công chức, giai đoạn 2016-2021 giảm 10%, tương đương 12 biên chế, đến năm 2020 đã giảm 9 biên chế, dự kiến năm 2021, tỉnh sẽ giảm đối với huyện An Phú 3 biên chế. Về biên chế viên chức giảm đạt chỉ tiêu sớm hơn 2 năm (giai đoạn 2016-2021 là 10%, đến cuối năm 2019 đã giảm 10,42%, nên từ nay đến cuối năm 2021 số lượng viên chức sẽ không giảm). Số lượng đơn vị sự nghiệp giảm 3 đơn vị trường học và 1 đơn vị cấp huyện. Nhìn chung, việc tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Đối với đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, huyện đã tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến nay hầu hết đạt tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (có 100% chức danh lãnh đạo, quản lý đạt chuẩn quản lý nhà nước chuyên viên và chuyên viên chính; có 64/88 cấp trưởng và cấp phó đạt chuẩn bồi dưỡng chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương). Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kiện toàn, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc được thực hiện đúng trình tự; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường góp phần nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Về hiện đại hóa nền hành chính, đã chuyển đổi từ phần mềm văn phòng điện tử VIC sang phần mềm VNPT-iOffice đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và UBND các xã, thị trấn; triển khai ứng dụng phần mềm một cửa VNPT-iGate để đánh giá sự hài lòng của người dân đối với công chức tại bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn. Qua đánh giá của tỉnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả cao về tính khoa học, đổi mới phương thức làm việc, minh bạch trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, công dân.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH