Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng

01/11/2023 - 06:04

 - Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị quan tâm lãnh, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, nhằm triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tránh thất thoát tài sản tham nhũng, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa để giảm thiệt hại, thất thoát về tài sản tham nhũng, thông qua việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn theo quy định. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản thu nhập đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên niêm yết công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị chuyên môn; dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng; công tác thi đua, khen thưởng; công tác kiểm tra, giám sát, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công khai thủ tục hành chính, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ, thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…

Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của người dân và doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Công tác phối hợp trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt được UBND tỉnh An Giang lãnh, chỉ đạo thực hiện, chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tích cực phối hợp cơ quan thi hành án dân sự ngay từ khi xác minh, đến khi xử lý tài sản để đảm bảo thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương (theo chức năng, nhiệm vụ được giao) tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tình hình tội phạm về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua xảy ra chủ yếu trong các lĩnh vực: Quản lý nhà nước liên quan đến tài chính, tín dụng, ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản… gây thất thoát ngân sách nhà nước. Nguyên nhân phát sinh của loại tội phạm này là lợi dụng việc quản lý, sử dụng tài sản, liên quan đến chính sách kế toán chỉ đạo sử dụng tài sản, chi sai nguồn cải cách tiền lương và thực hiện chi không đúng đối tượng, gây thất thoát tài sản nhà nước. Số vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố là 4 vụ, 14 bị can. Tổng số tiền các bị can, bị cáo gây thiệt hại đã chiếm đoạt trên 99,2 tỷ đồng.

Trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực vận động, thuyết phục bị can, bị cáo và thân nhân của họ tự nguyện giao nộp, khắc phục thiệt hại gây ra để được xem xét giảm nhẹ hình phạt và hưởng sự khoan hồng của pháp luật; giai đoạn thi hành án dân sự, người phạm tội tự nguyện giao nộp số tiền chiếm đoạt nhằm khắc phục hậu quả trên 2,9 tỷ đồng.

Để thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự, bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng.

MINH THƯ