.jpg)
Tọa đàm nâng cao nhận thức về phòng, chống xâm hại trẻ em cho học sinh và phụ huynh
Tăng cường truyền thông
Theo Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới Đặng Huy Châu (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang), trên cả nước, thống kê trung bình 8 giờ trôi qua thì có 1 trẻ bị xâm hại tình dục. Đối với tỉnh An Giang, thời gian qua, tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn còn xảy ra, trung bình mỗi năm có từ 30 - 40 trẻ bị xâm hại.
Riêng 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ xâm hại tình dục trẻ em, tăng so cùng kỳ năm 2022. Số vụ việc tăng lên hàng năm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn xâm hại tình dục trẻ em đang ở mức báo động. Bởi lẽ giờ đây, ngay cả môi trường thân thuộc cũng không còn an toàn tuyệt đối cho trẻ, khi bất kỳ người thân nào cũng có thể xâm hại chính con cháu của mình.
Hậu quả xâm hại trẻ em hết sức nghiêm trọng với bản thân nạn nhân, gia đình và xã hội. Trẻ bị xâm hại tình dục dưới bất kỳ hình thức nào đều để lại tổn thương ở nhiều mức độ khác nhau, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, về mặt tinh thần, nếu không được quan tâm, điều trị, khi trẻ lớn lên có thể xâm hại người khác, mắc bệnh trầm cảm, rối loạn…
Bên cạnh đó, hậu quả từ hành vi xâm hại trẻ em gây ra cho xã hội là không thể phủ nhận. Đó là sự tấn công trực diện đến các nền tảng đạo đức xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong dư luận xã hội. Trong khi đó, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn kém, trẻ em bị xâm hại tình dục bị kỳ thị từ hàng xóm, gây tổn thương tinh thần, suy nghĩ tiêu cực, dễ sa ngã vào các loại tệ nạn khác.
Trước tình hình trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, từ tháng 3 đến tháng 5/2023, các đơn vị phối hợp truyền thông xâm hại trẻ em thông qua phiên tòa giả định tại các huyện: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân, Thoại Sơn, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc.
Tại mỗi địa phương lần lượt tổ chức phiên tòa, ngoài người dân, học sinh đến dự trực tiếp, hệ thống truyền thanh còn phát sóng trên toàn địa bàn. Cùng với nỗ lực để nâng cao ý thức sống và làm việc theo hiến pháp, các ngành chức năng mong muốn các hành vi xâm hại trẻ em phải được lên án mạnh mẽ và những kẻ phạm tội phải đối diện với sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.
Chung tay bảo vệ trẻ em
Phiên tòa giả định được tái hiện để truyền thông ở các huyện là một vụ án có thật đã được xét xử năm 2021, bị cáo là 1 đàn ông trung niên, có hành vi 2 lần dùng tay sờ vào bộ phận sinh dục (bên ngoài quần) của bị hại dưới 16 tuổi. Tuy khai nhận không có ý định quan hệ tình dục, mà chỉ vì tò mò, bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, với mức án 3 năm 6 tháng tù và bồi thường 20 triệu đồng cho gia đình bị hại.
Em Nguyễn Thị Ý Nhi (huyện An Phú) dự xem phiên tòa bất ngờ: “Em tìm hiểu từ báo chí, mạng xã hội và biết hành vi trên là vi phạm pháp luật. Nhưng em vẫn không ngờ mức án bị cáo phải lãnh nặng đến như vậy. Qua đây, em nhận thức rõ hơn hành vi xâm hại đối với trẻ em là rất nghiêm trọng”.
Theo Công an tỉnh An Giang, thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc dư luận xã hội. Trong đó, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm số lượng lớn, chiều hướng tăng về tính chất và mức độ.
Trong số nạn nhân bị xâm hại tình dục (đều là trẻ em gái), đa số nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Các đối tượng nhắm vào nạn nhân là trẻ em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Hoặc trẻ em ở trong gia đình có kết cấu không hoàn hảo (ba mẹ ly thân, ly hôn, đi làm xa, tệ nạn xã hội…), gia đình ba mẹ quá bận rộn không dành nhiều thời gian chăm sóc con.
Qua những vụ việc ghi nhận, đáng lưu ý là có trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, gia đình biết nhưng vẫn lưỡng lự trong cách giải quyết. Một số trường hợp nạn nhân sau khi bị xâm hại có tâm lý không ổn định, việc trình bày nội dung diễn biến chưa rõ ràng. Một số nạn nhân khác do tuổi còn quá nhỏ, không có khả năng nhận biết về những hành vi mà đối tượng đã thực hiện đối với chính các em. Và có cả trường hợp khi xảy ra xâm hại, gia đình đối tượng và gia đình bị hại tự thương lượng. Khi việc thương lượng không thành, phía bị hại mới làm đơn tố cáo. Lúc này, cơ quan điều tra vào cuộc thì dấu vết tội phạm không còn nữa...
Nhằm góp phần kéo giảm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các ngành chức năng đang tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật, chuẩn mực đạo đức lối sống, thông tin phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm… Trong đó, chú trọng quan tâm đến các trường hợp trẻ em có gia cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ, có nguy cơ bị xâm hại để kịp thời có biện pháp giúp đỡ. Song song đó, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, trường học, lớp học về kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát và trông giữ trẻ em, phòng tránh nguy cơ trẻ bị xâm hại.
HOÀI ANH