Nâng cao tinh thần cảnh giác với hỏa hoạn

02/05/2018 - 08:48

 - Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy, trong đó 13 vụ làm 37 nhà dân cháy rụi, 1 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 4 tỷ đồng. Cao điểm nắng nóng kéo dài, nếu người dân không cẩn thận số vụ cháy sẽ không dừng lại.

Thượng tá Võ Phúc Thọ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: “2/3 vụ cháy do sự cố điện và bất cẩn trong sử dụng điện. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài, hanh khô là nguy cơ cao dẫn tới dễ cháy, nổ, nhất là ở khu vực dân cư tập trung, các cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở và các cơ sở sản xuất- kinh doanh (SXKD), các chợ. Vẫn còn cơ sở SXKD, các chợ, hộ tiểu thương tuân thủ chưa nghiêm những quy định về PCCC. Hệ thống nguồn điện, nguồn nhiệt lắp đặt ở những vị trí chưa đảm bảo, cách sắp sếp, bố trí hàng hóa một số nơi còn lộn xộn, nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao; hệ thống phương tiện PCCC đã xuống cấp chưa được thay thế mới... Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên và hình thức chưa phong phú, chưa đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhất là khu dân cư. Lực lượng PCCC đã và đang tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra điều kiện an toàn PCCC; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ CC; thực tập các phương án CC, tổ chức trực 24/24 giờ để sẵn sàng xuất xe kịp thời và CC có hiệu quả các vụ hỏa hoạn”.

Cảnh hoang tàn sau khi xảy ra hỏa hoạn

Chợ Mới, nơi đông dân nhất tỉnh, nắng nóng là thời điểm tình hình cháy, nổ xảy ra phức tạp. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 5 vụ cháy, làm 1 người chết, 10 căn nhà bị thiêu rụi, 1 căn cháy xém, thiệt hại gần 800 triệu đồng. 2 ngày liên tiếp (16 và 17-4), Chợ Mới xảy ra 2 vụ hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn 7 căn nhà ở xã Long Điền B và thị trấn Mỹ Luông. Điều đáng nói, các vụ cháy đều liên quan đến sự cố điện và bất cẩn trong sử dụng điện. Tại xã Long Điền B, ngọn lửa phát ra từ nhà anh Phạm Ngọc Hòa, do nhà bằng gỗ và tại thời điểm đó trời nắng, có gió mạnh nên ngọn lửa nhanh chóng bao trùm căn nhà rồi cháy lan sang 3 căn nhà gỗ liền kề... Trong chốc lát, ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn 4 căn nhà cùng các vật dụng, đồ đạc bên trong. Chú Lưu Văn Dô mắt rơm rớm: “Căn nhà 40m2 xuống cấp, mới sửa lại hết mười mấy triệu đồng. Vợ mất, con gái đi Đồng Nai làm, tôi đi làm hồ kiếm tiền nuôi con, giờ cháy rụi hết, trắng tay”. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do sự cố điện.

Tại thị trấn Mỹ Luông, hỏa hoạn làm thiêu rụi hoàn toàn 3 căn nhà và 1 căn bị cháy vách tường (thiệt hại 40%). Các hộ đều không có ở nhà, mặc dù được người dân phát hiện khói lửa bốc lên từ rất sớm, Đội Cảnh sát PCCC Công an huyện Chợ Mới có mặt tại hiện trường, nhưng do khu vực cháy nằm sâu trong hẻm nhỏ (chưa tới 2m), cách trục lộ chính hơn 200m, xe cứu hộ không tiếp cận được. Cùng thời điểm đó gió thổi mạnh, sau hơn 2 giờ lực lượng chức năng mới khống chế được ngọn lửa. 3 hộ bị cháy nhà thuộc diện khó khăn, làm thuê mướn, phải nhờ chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ cất lại nhà mới, để các hộ dân sớm ổn định cuộc sống.

Thượng tá Võ Phúc Thọ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) khuyến cáo: “Người dân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, mất cảnh giác; quản lý chặt chẽ các chất cháy và nguồn nhiệt để sẵn sàng đối phó với tai nạn cháy xảy ra. Thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đối với nhà ở kết hợp SXKD có nơi chứa hàng hóa dễ cháy, nổ nên bố trí tách biệt nơi ở. Không để hàng hóa dễ cháy gần nơi đun nấu. Tại khu vực thờ cúng, vách trần nhà nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; không nên thắp nhang, đèn, nến khi đi ngủ hoặc không có người ở nhà. Kịp thời thay thế thiết bị điện bị hư hỏng. Nên lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn; không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao. Không bố trí hệ thống điện sát tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy; hộ gia đình nên tự trang bị phương tiện CC...”.

HẠNH CHÂU