Nâng cao vai trò của đại biểu dân cử

24/09/2024 - 06:46

 - Chất vấn, giải trình, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là những hình thức giám sát thường xuyên của HĐND, là diễn đàn dân chủ thể hiện vai trò tích cực của từng đại biểu HĐND, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan đối với những vấn đề cử tri và dư luận quan tâm. Đây cũng là chủ đề được đưa ra bàn bạc, thảo luận tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh An Giang, Thường trực HĐND cấp huyện lần thứ III diễn ra tại huyện Chợ Mới.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh An Giang và các địa phương triển khai thực hiện tốt hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát. Qua đó, làm rõ những vấn đề cấp bách, bức xúc được cử tri quan tâm; khó khăn, tồn tại trong hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần giúp địa phương thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả cao. Điển hình, tại TP. Long Xuyên, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Thường trực HĐND thành phố tổ chức 3 phiên giải trình, xoay quanh nhiều nội dung; nhận 26 lượt ý kiến đại biểu đặt vấn đề cần giải trình làm rõ.

“Đại biểu quan tâm nhiều đến công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị; công tác quản lý đất đai; tiến độ thực hiện các công trình thuộc Dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - tiểu dự án TP. Long Xuyên; kết quả thực hiện ủy thác nguồn vốn ngân sách thành phố qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang để cho vay Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thực hiện nghiêm túc kết luận tại phiên giải trình, tạo sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương” - Phó Chủ tịch HĐND TP. Long Xuyên Huỳnh Thị Thúy thông tin.

Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh An Giang với cấp huyện

Để chuẩn bị tốt cho phiên chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND các cấp đề nghị đại biểu HĐND đề xuất nội dung chất vấn, giải trình, người trả lời. Điều này đòi hỏi mỗi đại biểu phải nắm sát tình hình thực tế, bức xúc của cử tri, phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng, của MTTQ và đoàn thể, nắm thông tin qua báo cáo của UBND và các cơ quan thuộc đối tượng giám sát; thông qua việc triển khai thi hành nghị quyết của HĐND cùng cấp, qua công tác tiếp công dân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh… Từ đó, đề xuất nội dung chất vấn, giải trình vừa bao quát, vừa có trọng tâm, trọng điểm; đúng, trúng, sát thực tiễn, đáp ứng được mong muốn của cử tri.

“Vừa qua, Ban Pháp chế đề xuất, tham mưu Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn, giải trình nhóm vấn đề an ninh trật tự, liên quan đến công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Nội dung này được phát hiện thông qua công tác khảo sát, giám sát của Ban Pháp chế, kịp thời phát hiện tồn tại, hạn chế về chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng; việc thu mới... Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành, địa phương nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra; có giải pháp xử lý đối với trường hợp thu tuyển không đúng đối tượng và số tiền đã chi không đúng đối tượng; báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2024” - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Trong buổi giao ban, một số hạn chế, khó khăn đã được chỉ ra. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đỗ Tấn Kiết nhận định: “Hoạt động giải trình tại phiên họp thường trực HĐND cấp huyện; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là hình thức giám sát mới được thực hiện, nên hầu hết địa phương gặp bất cập về cách thức tổ chức, quy trình thực hiện. Đại biểu HĐND đa số kiêm nhiệm, nghiên cứu chưa kỹ, nắm vấn đề chưa sâu, ít tham gia phát biểu ý kiến tại các phiên giải trình, chưa thường xuyên theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Trong tranh luận, chưa thật sự sôi nổi, còn tình trạng nể nang, ngại va chạm; trong trả lời giải trình chưa nhìn nhận nhiều đến yếu tố chủ quan, vấn đề chưa được giải quyết triệt để và hiệu quả như mong muốn… Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát cần được nghiên cứu, trao đổi làm rõ”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề nghị các địa phương cần quan tâm, nghiên cứu khắc phục hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trước hết, cần có sự chủ động, kỹ càng trong chuẩn bị nội dung; rà soát, tổng hợp, phân tích việc thực hiện kết luận chất vấn, giải trình trước đó để làm rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, việc thực hiện chức trách của cơ quan có liên quan. Cơ quan tham gia giải trình cần chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc thông tin, số liệu cụ thể và minh chứng thuyết phục.

“Đặc biệt, phải nâng cao kỹ năng chất vấn cho đại biểu HĐND. Thường xuyên tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức về quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu HĐND (nhất là đại biểu không chuyên trách); tích cực tham gia, tìm hiểu kỹ thông tin và quy định của pháp luật liên quan. Chủ tọa điều hành phiên chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND cần linh hoạt, khoa học, mềm dẻo, tạo không khí tranh luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, nhưng vẫn mang tính xây dựng. Một số nội dung chất vấn chưa rõ, khó đạt được sự đồng thuận thì giao thường trực HĐND tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình làm rõ tại phiên họp thường trực HĐND, báo cáo kết quả với HĐND tại kỳ họp gần nhất. Sau chất vấn, giải trình, thường trực HĐND ban hành kết luận, giao cho các ban HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND theo dõi giám sát việc thực hiện kết luận của thường trực” - đồng chí Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

GIA KHÁNH