Theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi thú y, virus gây bệnh được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết, tinh dịch, nước tiểu... từ xác heo chết, heo nhiễm bệnh. Heo đã khỏi bệnh vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài, trở thành vật chủ mang virus. Bệnh có thể lây trực tiếp qua tiếp xúc với heo rừng, heo nhà nhiễm virus. Quan trọng hơn, bệnh còn lây gián tiếp qua tiếp xúc với heo nhiễm bệnh; qua quần áo, dụng cụ, xe vận chuyển, thức ăn... bị vấy nhiễm mầm bệnh. Ruồi, muỗi, chuột cũng đóng vai trò là vật trung gian truyền bệnh theo đường cơ học.
Một nguyên nhân không thể loại trừ là nguồn thức ăn thừa của người. Ông Đinh Thanh Hồng chia sẻ: “Tôi nuôi heo 8-9 năm nay, thường cho heo ăn thức ăn thừa ở các quán ăn. Tuy nhiên, tôi nghĩ thức ăn này đã được nấu chín, nên cứ để nguyên cho heo ăn, không nấu lại. Mấy hôm trước, heo sốt, bỏ ăn, đỏ người, lừ đừ. Điều trị thuốc men thì heo khỏe lại, nhưng hôm sau lại bệnh nặng hơn. Liên tục 3 ngày như thế, đến sáng 21-5 thì cán bộ thú y lấy 5 mẫu đưa đi xét nghiệm. Buổi chiều, kết quả cho thấy đàn heo bị mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi. Toàn bộ khu vực chăn nuôi của tôi đã được khử trùng, tiêu độc, không còn con heo nào được nuôi nữa”.
Rải vôi xung quanh chuồng heo
Hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị được dịch tả heo Châu Phi. Vì vậy, phòng bệnh là giải pháp chính. Nếu phát hiện, cần xử lý triệt để ổ dịch càng sớm càng tốt, ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỹ Thạnh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: “Hai ngày nay, chúng tôi đã bố trí chốt chặn 2 đầu của ổ dịch (khoảng cách 100m mỗi đầu ổ dịch), khống chế không cho lượng heo ra vào vùng dịch, không để phát tán dịch. Đồng thời, thành lập 4 tổ công tác: tổ phản ứng nhanh; tổ chốt chặn kiểm dịch; tổ tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc và tổ thông tin tuyên truyền. Lực lượng, phương tiện tham gia công tác, ra vào vùng dịch đều được khử trùng, tiêu độc, cách ly kỹ càng, ứng trực 24/24 giờ, tránh tình trạng từ vùng dịch đi vào vùng nuôi heo khỏe mạnh. Tổ chức điều tra, rà soát số lượng đàn heo trên toàn phường (hơn 600 con, 33 hộ dân); hướng dẫn từng hộ cách thức phòng, chống dịch tả heo Châu Phi, nhất là thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt). Cả hệ thống chính trị được huy động, tập trung cao độ để dập tắt dịch ngay khi phát sinh. Rất mừng là bà con, nhất là các hộ chăn nuôi heo đều đồng thuận và phối hợp phòng, chống dịch bệnh. Sau khi 27 con heo mắc bệnh tại nhà ông Hồng được tiêu hủy, đến sáng 23-5, chúng tôi chưa ghi nhận thêm trường hợp nào khác”.
Việc phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi ở nhà ông Hồng khiến các hộ chăn nuôi heo lân cận cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, họ nắm rõ kiến thức cơ bản về phòng tránh dịch tả, được hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, đảm bảo an toàn cho heo khỏe mạnh. Chị Huỳnh Ngọc Tuyền (khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh) cho biết: “Tôi chú ý nuôi heo bằng thức ăn sạch, đảm bảo vệ sinh (nấu tấm thật nhuyễn, pha với cám), hoàn toàn không cho heo ăn thức ăn thừa của người. Nước uống cũng từ nước máy hợp vệ sinh. Được biết, bệnh chỉ lây cho heo, không lây sang người, nên tôi chú ý đảm bảo vệ sinh trong quá trình chăn nuôi”. Mấy tháng nay, ông Lê Văn Si Mong (khóm Đông Thạnh A) thường xuyên tận dụng hèm nấu rượu ở nhà, đun sôi cùng thức ăn thừa ở các quán ăn cho heo ăn. “Thức ăn thừa nào sạch tôi mới sử dụng, nếu thấy bốc mùi, hư nhiều thì bỏ. Hàng tuần, tôi rắc vôi xung quanh nhà, vệ sinh chuồng trại liên tục. Nghe tin dịch tả heo đã đến trên địa bàn phường, tôi tìm hiểu kỹ thông tin, quyết tâm đảm bảo vệ sinh khu vực chăn nuôi heo” - ông Mong khẳng định.
Để phòng tránh bệnh dịch tả heo Châu Phi, các hộ nuôi heo nên thực hiện tốt việc tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, áp dụng biện pháp nuôi cách ly, theo dõi lâm sàng các đàn gia súc; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tăng sức đề kháng cho chúng. Khi phát hiện có heo mắc bệnh chết không rõ nguyên nhân hoặc động vật nghi mắc bệnh truyền nhiễm, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường để có biện pháp xử lý.
UBND TP. Long Xuyên vừa ban hành quyết định công bố dịch tả heo Châu Phi tại khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, từ ngày 21-5. Theo đó, vùng bị dịch bệnh uy hiếp trong phạm vi 3km xung quanh ổ dịch, bao gồm 5 phường (Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Hòa, Mỹ Quý và Mỹ Phước). Vùng đệm trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch, bao gồm các phường, xã còn lại trên địa bàn thành phố. Toàn thành phố tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống và ứng phó khẩn cấp bệnh dịch tả heo Châu Phi theo kế hoạch hành động, tinh thần chỉ đạo của tỉnh và thành phố. Chiều ngày 23-5, Ban Chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh và TP. Long Xuyên tiếp tục làm việc, tìm giải pháp khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn
|
Bài, ảnh: GIA KHÁNH