Nâng cao ý thức về tác hại của thuốc lá

04/04/2022 - 06:29

 - Hút thuốc lá khi điều khiển phương tiện giao thông, tại địa điểm công cộng, quán ăn, nhà hàng, nơi đông người… là hình ảnh vẫn còn xuất hiện trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, hút thuốc lá không những gây tổn hại đối với sức khỏe bản thân người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh.

Tác hại của thuốc lá được ghi rõ trên các bao thuốc lá

Ông Nguyễn Nhật Minh (huyện Châu Phú) cho biết: “Ban đầu, tôi chỉ hút thuốc cho vui, dần thành thói quen. Dù biết hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bỏ thuốc lá rất khó khăn”. Còn anh Lê Văn Út (huyện Châu Thành) chia sẻ: “Mặc dù không nghiện hút thuốc lá, nhưng những hôm làm ca đêm, tôi vẫn ra khu vực dành riêng cho người hút thuốc để hút 1-2 điếu cho tỉnh táo và giảm bớt căng thẳng”. Tương tự, ông Trần Minh Tân (TP. Long Xuyên làm nghề lái xe tải) cho biết: “Những đêm lái xe đường dài, lâu lâu tôi dừng lại hút thuốc lá để không buồn ngủ, giúp tỉnh táo hơn. Thông qua đài báo, vẫn biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng do đặc thù nghề nghiệp nên tôi vẫn hút thuốc lá mỗi khi lái xe”.

Tại Việt Nam, mỗi năm có 40.000 người tử vong liên quan đến thuốc lá, cao gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông. Theo dự báo, nếu không phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người/năm vào năm 2030. Một nghiên cứu của y tế cũng chỉ ra rằng, thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong cho 3 người trong tổng số 10 người chết vì bệnh tim và 9 trong số 10 người chết vì ung thư phổi. Nhận rõ tác hại của thuốc lá, Đảng, nhà nước có nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo nhằm phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và không ít văn bản quy phạm pháp luật khác về quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại thuốc lá, các hành vi bị nghiêm cấm, biện pháp giảm cung và giảm cầu thuốc lá, điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại thuốc lá… nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do hút thuốc lá đem lại.

Tuy vậy, tỷ lệ người hút thuốc lá hiện nay vẫn còn cao. Không ít người, thậm chí có cả những người trẻ tuổi, thường xuyên cầm điếu thuốc lá "đốt" ở mọi lúc mọi nơi, cả những địa điểm công cộng và nơi cấm, từ thành thị đến nông thôn.

Anh Nguyễn Hữu Thời (huyện Phú Tân) cho biết, rất nhiều lần anh thấy những tài xế lái xe ôtô vừa đi, vừa hút thuốc lá rồi vô tư nhả khói, thò tay qua cửa xe để gạt tàn thuốc lá mà không để ý xung quanh. Thậm chí, có những người hút thuốc khi đến gần cây xăng, chỉ khi nhân viên bán xăng nhắc nhở, họ mới miễn cưỡng dập điếu thuốc đang hút. Việc hút thuốc lá như vậy không chỉ gây hại cho sức khỏe người hút, mà còn ảnh hưởng tới môi trường, thậm chí có thể gây nguy hiểm nếu tàn thuốc vô tình rơi tại khu vực cấm lửa dẫn đến cháy nổ, hỏa hoạn hoặc có thể dẫn đến tai nạn giao thông khi vừa lái xe, vừa hút thuốc. Chị Lê Thị Minh Trang (TP. Long Xuyên) cho biết: “Hôm trước, tôi cùng người thân đưa các con đi ăn tại quán ăn. Khi mọi người đang ăn thì con gái 5 tuổi liên tục ho vì khói thuốc lá do nhóm thanh niên ngồi bàn ăn bên cạnh hút bay sang. Tôi phải chuyển sang khu vực khác của quán ăn, tránh khói thuốc lá để bảo vệ sức khỏe con nhỏ”.

 Điều đáng quan tâm là những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) cũng ảnh hưởng sức khỏe không kém gì so với người hút thuốc lá trực tiếp. Các chuyên gia y tế đã chứng minh, hút thuốc lá thụ động còn nhiều nguy hiểm hơn người hút thuốc lá trực tiếp. Khi tiếp xúc và hít phải khói thuốc lá, sẽ gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe con người. Những chất độc hại trong khói thuốc lá đi vào phổi, vào máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tật. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh trong tình trạng nặng hơn nếu mắc COVID-19, nhất là những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường… bởi COVID-19 tấn công và làm suy yếu phổi nhanh chóng. Do đó, để có sức khỏe tốt, những người đang hút thuốc lá, sắp bỏ thuốc lá và đã bỏ thuốc lá cần có quyết tâm hơn nữa, kiên quyết nói không với thuốc lá mọi lúc mọi nơi.

Ông Phạm Văn Phướ (huyện Phú Tân) chia sẻ: “Quá trình bỏ thuốc lá rất khó khăn và cần thời gian dài. Nhưng vì sức khỏe của bản thân và gia đình nên tôi quyết tâm bỏ thuốc lá. Đã hơn 10 năm từ khi bỏ hút thuốc lá, tôi thấy sức khỏe bản thân được cải thiện rõ, bảo vệ được sức khỏe người thân, gia đình. Từ kinh nghiệm của mình, tôi khuyến khích người thân và bạn bè nên bỏ hút thuốc lá”.

Khói thuốc lá là kẻ giết người thầm lặng, tác nhân gây ra biết bao nhiêu bệnh tật. Vì thế, mỗi chúng ta phải có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và tương lai của con cháu mai sau bằng việc nói không với hút thuốc lá.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, người già và phụ nữ. Những chất độc này đã gây ra bệnh trên hầu hết các cơ quan của cơ thể. Khói thuốc lá liên quan đến 90% số ca bệnh ung thư phổi, 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% số ca bệnh tim do thiếu máu cục bộ.

 

TRỌNG TÍN