Nắng nóng, bệnh về da tăng mạnh

03/03/2024 - 09:53

Nếu không được điều trị kịp thời, một số bệnh về da có thể trở thành mạn tính, như mề đay, viêm da cơ địa..., ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân

Những ngày qua, TP HCM và các tỉnh Nam Bộ bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng lên 35-36 độ C, chỉ số tia UV ở mức gây hại rất cao. Nắng nóng không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, trong đó có các bệnh về da.

Bệnh về da tăng, chiếm 60%-70% lượt khám

Theo thống kê của các bệnh viện da liễu, số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về da tăng cao trong những ngày qua.

Nắng nóng, nhiều người đến bệnh viện chuyên khoa da liễu thăm khám

Từ đầu tháng 2-2024 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) ghi nhận số ca mắc các bệnh da liễu liên quan thời tiết nắng nóng - như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, mẩn ngứa, mề đay, mụn, nhiễm nấm, thủy đậu… - gia tăng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 50-70 lượt khám thuộc nhóm bệnh này, gồm cả trẻ em và người lớn, chiếm khoảng 60%-70% tổng lượt khám.

Ghi nhận tại Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) cho thấy từ sáng sớm, nhiều người đã ngồi chờ đến lượt thăm khám. Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Tính, Trưởng Khoa Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Quân y 175, cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết nắng nóng gay gắt. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân đến khám các bệnh lý về da tăng cao hơn 30%-40% so với trước đó. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 120-140 bệnh nhân khám da ngoại trú.

Mới đây, Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận, điều trị cho nam bệnh nhân H.V.B (60 tuổi, ngụ Bình Dương), nhập viện trong tình trạng da nổi đỏ kèm ngứa tay chân, sốt rét run. Bệnh nhân cho biết không mắc bệnh mạn tính về da. Trước khi nhập viện, ông bị ngứa và nóng da, dù đã đi khám và điều trị bằng thuốc nhưng tình trạng khô da tróc vảy từ tay chân vẫn lan ra toàn thân.

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ông B. bị viêm da cơ địa. Trong thời tiết nắng nóng, tình trạng dị ứng tiến triển nặng hơn, nhiễm trùng da nên bác sĩ đã chỉ định ông nhập viện để điều trị tích cực. Ông B. đã được điều trị các triệu chứng và sử dụng thuốc bôi, thuốc tắm vệ sinh. Đến nay, da ông đã hồi phục, hết tróc vảy.

Trong khi đó, anh H.G.H (26 tuổi, quê Sơn La, làm việc tại TP HCM) cho biết do nhiệt độ thành phố cao hơn 15 độ C so với ở quê nên da anh xuất hiện các nốt sần, phát ban, ngứa ngáy khắp người. Bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh chẩn đoán anh bị nổi mề đay cấp tính do cơ thể chưa kịp thích nghi với thay đổi nhiệt độ. Anh H. được kê thuốc histamine nhằm giảm các triệu chứng gây viêm, đồng thời hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng.

Không nên bỏ qua triệu chứng bất thường

Theo bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng, độ ẩm cao sẽ gây nhiều ảnh hưởng với da, làm tăng nhiệt độ da, thay đổi độ pH, tăng tiết mồ hôi và bã nhờn. Từ đó, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông, dễ viêm da, rối loạn hệ vi sinh vật trên da (nấm, vi khuẩn) khiến da nhạy cảm hơn.

Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường như bụi, phấn hoa, ô nhiễm, hóa chất… cũng dễ gây kích ứng da, tạo ra những phản ứng không có lợi, từ đó làm bùng phát các bệnh da liễu. Thời tiết nóng còn khiến lỗ chân lông giãn nở, dẫn đến bụi bẩn dễ dàng xâm nhập và tích tụ lại, bít tắc lỗ chân lông và tạo thành mụn.

Bác sĩ Bích cho rằng bệnh da liễu không gây nguy hiểm tới tính mạng nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, một số bệnh về da có thể trở thành mạn tính, như mề đay, viêm da cơ địa…, ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân. Do đó, cần thăm khám khi trên da xuất hiện các triệu chứng bất thường như đỏ, ngứa, nóng rát...

Bác sĩ Trần Văn Tính so sánh cấu trúc da giống như lớp áo bên ngoài bảo vệ cơ thể. Do đó, khi da bị khô, mất các chất khoáng... thì có thể bị nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, virus... Nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến gan, thận, cơ quan nội tạng; đặc biệt, bệnh sẽ diễn tiến nhanh ở người lớn tuổi.

Tăng uống nước, giảm đồ ăn dầu mỡ

Bác sĩ Trần Văn Tính khuyến cáo nếu đi ngoài nắng, cần phải có các biện pháp che chắn như sử dụng áo, mũ, khẩu trang, găng tay, mắt kính... Người dân cần hạn chế tiếp xúc ánh nắng trong khoảng thời gian 10-11 giờ và 15-16 giờ. Trước khi ra ngoài khoảng 30 phút, nên sử dụng kem chống nắng SPF 50+ trở lên.

Ngoài ra, cần cung cấp đủ nước cho cơ thể để duy trì độ ẩm của da; mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi; bổ sung rau xanh, hoa quả để tăng cường vitamin; vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ. Đối với học sinh, sinh viên - lứa tuổi có nền da dầu, nên hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào, bánh tráng trộn, trà sữa, thức ăn chứa nhiều chất bảo quản...

Theo HẢI YẾN (Báo NLĐ)