Nâng tầm sản phẩm OCOP xứ núi

09/06/2021 - 04:31

 - Hướng tới mục tiêu nâng chất đặc sản địa phương, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đang tích cực triển khai Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Trong đó, tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP nhằm lan tỏa đặc sản quê hương đến với thị trường trong và ngoài nước.

Nâng tầm đặc sản

Năm 2020, Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện Tịnh Biên, đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan. Bởi lẽ, vùng đất này vốn có những đặc thù về sinh thái cũng như sự phong phú về văn hóa ẩm thực.

Qua rà soát, toàn huyện Tịnh Biên có 62 loại mặt hàng với 176 sản phẩm đặc thù địa phương của 131 chủ thể, thuộc 6 ngành theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ - trang trí, vải - may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn - bán hàng.

Các sản phẩm OCOP Tịnh Biên tham dự Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa  đặc trưng các tỉnh, thành phố năm 2021 tại TP. Châu Đốc

Đến nay, huyện miền núi Tịnh Biên có 9 sản phẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 và 4 sao. Các sản phẩm đạt OCOP 4 sao, gồm: rượu vang thốt nốt Thnot 12 độ, đường thốt nốt cô đặc Moun7ains, đường thốt nốt viên Moun7ains, đường thốt nốt Moun7ains dạng bột, nước màu nguyên chất Thnot của Công ty TNHH MTV Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia. Doanh nghiệp này còn đóng góp sản phẩm rượu thốt nốt 29 độ, cùng với các sản phẩm rượu cà na Hòa Kiều, cà na muối Hòa Kiều (hộ Nguyễn Thị Diễm Kiều) và nước khoáng thiên nhiên SM (Công ty Cổ phần nước khoáng SM) đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Để các sản phẩm OCOP đến được với thị trường, UBND huyện Tịnh Biên yêu cầu các ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, phải xây dựng được những câu chuyện sản phẩm nổi bật trên các phương tiện truyền thông nhằm tạo sức hút cho sản phẩm OCOP, qua đó tạo tiền đề cho các sản phẩm có tiềm năng khác phát triển.

Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tiến hành trao đổi thông tin đối với những chủ thể sở hữu sản phẩm có khả năng đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ đó, phân tích rõ nội dung, mục tiêu của Chương trình OCOP, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này tham gia đánh giá tiếp theo.

 Đối với nhóm chủ thể có sản phẩm chưa đủ tiềm năng đạt chuẩn OCOP, ngành chuyên môn huyện, xã phối hợp tư vấn, hỗ trợ quy trình thực hiện để hoàn thiện thủ tục pháp lý tham gia đánh giá, phân hạng. Qua đó, dần nâng cao nhận thức của các chủ thể trong việc nâng tầm các sản phẩm có khả năng đạt chuẩn OCOP tại địa phương.

Tăng cường quảng bá, giới thiệu

Về công tác xúc tiến thương mại, huyện Tịnh Biên đã xây dựng và thực hiện các giỏ quà OCOP của địa phương, với những mức giá khác nhau để quảng bá trong các dịp lễ, Tết, hội nghị, các điểm du lịch… Đặc biệt, các sản phẩm OCOP Tịnh Biên cũng góp mặt trong sự kiện sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng An Giang và Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành năm 2021. Qua đó, giúp các sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn với khách hàng.

UBND huyện Tịnh Biên đã hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP Tre Làng (thị trấn Nhà Bàng) với mục đích giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đến với người tiêu dùng địa phương. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại xã Thới Sơn, kết hợp phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao tưới tiết kiệm trên cây dâu tằm.

Từ sự quan tâm trong công tác quảng bá, truyền thông đã giúp cho các sản phẩm OCOP Tịnh Biên nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng. Du khách đến tham quan và du lịch tại Tịnh Biên thường quan tâm và mua sắm các sản phẩm OCOP, góp phần tăng doanh thu cho cơ sở, tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương.

Với những kết quả đạt được, huyện Tịnh Biên sẽ tiếp tục hỗ trợ, phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng, cải tiến bao bì, nhãn mác; thực hiện truy xuất nguồn gốc, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; thực hiện quản lý, bán hàng trên các trang thông tin điện tử; kết nối tiêu thụ sản phẩm với các điểm bán lẻ, siêu thị... nhằm giúp nâng hạng sao các sản phẩm OCOP trong năm 2021.

Huyện Tịnh Biên cũng ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất các sản phẩm truyền thống, các dịch vụ có lợi thế đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, tập trung hướng đến việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền, thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh cho các sản phẩm đặc thù địa phương nhằm từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP Tịnh Biên trên thị trường trong, ngoài nước.

Huyện Tịnh Biên đang phấn đấu xây dựng 100 sản phẩm đặc thù của địa phương phục vụ du lịch, 50% trong số đó đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Mục tiêu đến cuối năm 2025, huyện miền núi này có 3 sản phẩm được đưa vào hệ thống phân phối quốc gia.

THANH TIẾN