Nâng tầm xuất khẩu An Giang

28/02/2023 - 07:03

 - Với đường biên giới dài tiếp giáp Campuchia, có vùng nguyên liệu lúa gạo, cá tra, trái cây quy mô lớn, sản lượng và chất lượng ổn định, An Giang có nhiều cơ hội khai thác thị trường xuất khẩu. Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại là những giải pháp chiến lược nhằm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh từ 5%/năm trở lên.

Tranh thủ thời cơ

Theo thống kê, đến nay, Việt Nam có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, ở cả cấp độ song phương và đa phương; đang trong quá trình đàm phán 2 FTA là Hiệp định Việt Nam - EFTA (giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), gồm 4 nước: Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) và Hiệp định Việt Nam - Israel. Qua đó, thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, như: Cạnh tranh thương mại gay gắt giữa các quốc gia, dịch bệnh toàn cầu làm cho các quốc gia điều chỉnh về chính sách xuất, nhập khẩu, xu thế bảo hộ thương mại thông qua các hàng rào phi thuế quan… đặt ra nhiều thách thức cho công tác xuất khẩu của tỉnh thời gian tới.

Tại An Giang, nông nghiệp tiếp tục được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều triển vọng phát triển khi giá lương thực toàn cầu tăng, thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn còn sản xuất nhỏ, phân tán, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu...

Ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển mạnh do năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hợp tác kinh doanh với các DN sản xuất chính.

Trước những thời cơ, thách thức mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký ban hành Kế hoạch 104/KH-UBND, ngày 17/2/2023 về triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang. Mục tiêu đặt ra là đưa hoạt động xuất, nhập khẩu tỉnh phát triển bền vững với cơ cấu hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu của An Giang đạt và vượt 5%/năm.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích DN tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh giao thương khu vực biên giới.

Tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, tỉnh tiếp tục phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực; cơ cấu lại ngành nông nghiệp An Giang gắn thực hiện chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng liên kết chuỗi giá trị với các DN xuất, nhập khẩu.

An Giang lựa chọn một số sản phẩm nông sản chất lượng cao thích ứng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của từng địa phương để hình thành vùng sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong lai tạo giống sản phẩm mới, đặc thù, ứng dụng công nghệ trong khâu bảo quản sau thu hoạch nhằm tạo giá trị khác biệt cho hàng nông sản, tạo ưu thế riêng trong xuất khẩu trước các đối thủ cạnh tranh.

An Giang tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các tỉnh vùng ĐBSCL về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản minh bạch, công khai, có lợi cho người nông dân và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tỉnh thực hiện cơ chế, chính sách và tăng cường mời gọi DN đầu tư sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu cho các DN sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là một số lĩnh vực xuất khẩu quan trọng, như: Nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, cơ khí…

Trong đó, tập trung then chốt vào lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch nông, thủy sản. Tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên của tỉnh, triển khai thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.

Thông tin và quảng bá, xúc tiến thị trường

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh tiếp tục thu thập thông tin về thị trường để phục vụ cho quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại. Đồng thời, cung cấp thông tin (về thị trường, giá cả các mặt hàng nông sản, cơ chế, chính sách thương mại các thị trường nhập khẩu tiềm năng, chính sách của các nhà phân phối) đến DN để kịp thời nắm bắt và xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Cục Hải quan An Giang phối hợp các ngành chức năng xây dựng bộ tài liệu về quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu của một số thị trường tiềm năng để DN của tỉnh tham khảo, vận dụng vào quá trình sản xuất và xuất khẩu.

An Giang tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu của tỉnh tham gia các cổng thông tin trực tuyến của đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030” và các kênh thông tin trên nền tảng số khác của Bộ Công Thương, nhằm giúp DN tiếp cận với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Tỉnh chủ động tiếp cận, mời đoàn DN của những nước truyền thống, thành viên các hiệp định FTA thế hệ mới (CPTPP, RCEP, EVFTA), các quốc gia Trung Đông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, đặc khu Hồng Kông... tìm hiểu môi trường đầu tư - kinh doanh và hợp tác với DN tỉnh, nhằm tiêu thụ các mặt hàng thủy sản, lúa gạo, trái cây, rau quả.

UBND tỉnh An Giang khuyến khích DN đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ, liên doanh, liên kết với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tiếp nhận kỹ thuật khoa học - công nghệ mới, tiếp thu những kỹ năng quản lý tiên tiến, tích cực tham gia vào chuỗi liên kết của DN FDI..

NGÔ CHUẨN