Nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

14/03/2024 - 16:36

 - Sự kiện Việt Nam - Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện cho thấy sự đúng đắn của đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam”. Khi quan hệ hợp tác được nâng cấp lên mức cao nhất đối với nhiều cường quốc hàng đầu thế giới, mặc nhiên xóa bỏ những luận điệu xuyên tạc kiểu: “Việt Nam cô độc trên con đường tiến lên CNXH”, “Việt Nam chia phe để đối chọi với nước khác”...

Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Trong chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, 2 nước đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Đây là kết quả hợp lý sau nửa thế kỷ Việt Nam và Australia thiết lập, củng cố quan hệ ngoại giao, đạt đến độ tin cậy cao về chính trị, bao gồm cả việc tôn trọng hệ thống chính trị của nhau và có quan điểm gần gũi hơn về các vấn đề mà 2 nước cùng quan tâm.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí chung với Thủ tướng Phạm Minh Chính sau hội đàm, Thủ tướng Australia nhấn mạnh, việc nâng cấp mối quan hệ 2 nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện sẽ đưa Australia và Việt Nam trở thành một trong những “đối tác quan trọng nhất của nhau”. Hai nước đặc biệt coi trọng hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường và hợp tác về năng lượng, khi cả Australia và Việt Nam đều có cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khái quát thành “6 điểm hơn”, gồm: Tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn; thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn; hợp tác văn hóa, giáo dục và đào tạo, môi trường, ứng phó với BĐKH toàn diện, sâu sắc hơn; giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở, chân thành hơn; hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về quốc phòng - an ninh, hướng tới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Theo các chuyên gia, khi nâng cấp quan hệ với Việt Nam, Australia đã đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam trong tiến trình phát triển của ASEAN và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Australia và Việt Nam là những đối tác thương mại hàng đầu của nhau; nền kinh tế của 2 nước mang tính bổ sung cho nhau, đồng thời có mối quan hệ giao lưu nhân dân mạnh mẽ.

Năm 2021, Australia đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện của ASEAN. Tại Hội nghị đặc biệt ASEAN - Australia, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố Melbourne, vạch ra định hướng hợp tác toàn diện trong một loạt các lĩnh vực, như: Thương mại và đầu tư, chuyển đổi kinh tế sang nền kinh tế số, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chống BĐKH. Với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam được hưởng lợi từ những sáng kiến mới của Thủ tướng Anthony Albanese. Với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Australia, 2 nước càng có đóng góp tích cực và lớn hơn cho khu vực.

Cùng với nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Australia, trong chuyến thăm New Zealand sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon thống nhất tiếp tục củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand mang tầm vóc mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát bằng 3 cặp từ khóa là “ổn định và củng cố”, “tăng cường và mở rộng”, “tăng tốc và bứt phá”. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại 2 chiều đạt mục tiêu 2 tỷ USD trong năm 2024 và sớm tăng gấp đôi đầu tư 2 chiều thông qua các biện pháp phù hợp, trong đó có mở cửa thị trường và giảm rào cản thương mại 2 chiều. Hai nước tăng tốc bứt phá trong hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, phát triển nông nghiệp, các ngành công nghệ mới nổi, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn...

Sau thời kỳ đổi mới, ngay từ những năm 1990, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và mang lại lợi ích cho nhau. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 7 trong số các cường quốc hàng đầu trên thế giới, gồm: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia. Các quốc gia này trở thành những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Những khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện có tác dụng nhất định trong việc bảo vệ Việt Nam trước cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế hiện đại, với thu nhập tương đối cao vào năm 2040.

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn giữ ổn định về chính trị, độc lập và có tầm nhìn chiến lược. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam ngày càng có trách nhiệm, đóng vai trò quan trọng đối với những vấn đề thế giới cùng quan tâm, như: Phát triển bền vững, ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường, đổi mới sáng tạo thông qua chuyển đổi năng lượng, hướng tới nền kinh tế xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Sự tin cậy của các quốc gia hàng đầu thế giới cho thấy, đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” đang đi đúng hướng, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực kinh tế, chính trị của Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc, vu khống Việt Nam quan hệ ngoại giao theo kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, “nịnh nước này, bỏ nước kia”, “chia phe, chia cánh”... hoàn toàn lạc lõng, vô căn cứ trước thực tế rõ ràng, minh bạch.

N.H