Ông Dương Văn Mến trình bày vụ việc với phóng viên
Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, ông Dương Văn Mến cho biết, nguồn gốc phần đất là của ông bà nội (ông Dương Văn Dễ, chết năm 1996, bà Nguyễn Thị Minh, chết năm 2018) cho cha ông (ông Dương Văn Thuận, sinh năm 1948). Năm 1986, khi đang sinh sống ở thị trấn An Châu (Châu Thành), ông Thuận đến xã Bình Thành (Thoại Sơn) cất nhà trên mảnh đất 1.569,6m2, mua từ năm 1962.
“Thấy ông bà nội già yếu, bệnh tật, cha kêu tôi đến xã Bình Thành để chăm sóc và phụ giúp. Tại đây, ông bà nội tạo dựng 6.000m2 đất nông nghiệp, sau đó cho cha tôi thụ hưởng. Từ đó cho đến ngày ông bà nội chết, vợ chồng tôi quán xuyến mọi việc và chăm lo căn bệnh của ông nội. Trước và sau ngày ông nội qua đời, bà nội nói cho vợ chồng tôi nhà đất, nhưng không làm giấy tờ” - ông Dương Văn Mến khẳng định.
Ngày 2-1-2006, vợ chồng ông Mến được UBND huyện Thoại Sơn cấp GCNQSDĐ số H00278qH, thửa đất 122, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.569,6m2. Đến tháng 10-2018, UBND huyện Thoại Sơn ban hành quyết định thực hiện Dự án “Nâng cấp, mở rộng tuyến Thoại Giang - Xã Diễu”, thu hồi 1.569,6m2 đất của vợ chồng ông Mến.
Theo quyết định thu hồi đất, bồi thường 1 tỷ 460 triệu đồng cho vợ chồng ông Mến, bao gồm: giá trị đất, căn nhà, cây trồng và kiến trúc khác trên đất. Ngay sau đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Thoại Sơn chi 500 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ chi trả sau.
Cũng theo ông Mến, lúc ông đi vắng, 3 người em ruột của ông (Dương Văn Truyền, Dương Thị Thu, Dương Kim Phượng) đến nhà kêu bà Minh ký tên, đồng thời chở bà Minh về nhà ông Thuận ở thị trấn An Châu (Châu Thành). Ông Mến đến UBND xã Bình Thành và UBND huyện Thoại Sơn yêu cầu nhận số tiền còn lại. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thoại Sơn trả lời, GCNQSDĐ cấp cho ông Mến, bà Hạnh là không đúng đối tượng, sắp tới nhà nước sẽ thu hồi giấy lại. Vợ chồng ông Mến khiếu nại đến nhiều nơi.
Về việc này, Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Thoại Sơn cho biết, thực hiện Quyết định số 4745/QĐ-UBND ngày 8-10-2018 của UBND huyện Thoại Sơn, đơn vị đã chi bồi thường 500 triệu đồng cho vợ chồng ông Mến, số còn lại (960 triệu đồng) gửi Kho bạc nhà nước. Sau đó, ông Mến yêu cầu nhận đủ tiền, nhưng diện tích đất bồi thường bị tranh chấp, nên không thể giải quyết được. Đơn vị đã giải thích, sẽ chi trả 960 triệu đồng theo quyết định của cơ quan nhà nước. Vụ việc của ông Mến đang trong vòng tố tụng, chưa đi đến quyết định cuối cùng.
Ngày 29-7-2019, TAND tỉnh đưa vụ việc “Tranh chấp QSDĐ, yêu cầu hủy GCNQSDĐ” ra xét xử. Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Minh, ông Dương Văn Thuận- thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Minh, tham gia vụ việc. Kết quả, TAND tỉnh hủy GCNQSDĐ số H00278 qH, thửa đất 122, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.569,6m2, cấp cho ông Dương Văn Mến, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh. Đối với số tiền 500 triệu đồng vợ chồng ông Mến nhận trước đây, tòa án tuyên cho ông bà thụ hưởng.
Không đồng ý, vợ chồng ông Mến kháng cáo bản án. Đến ngày 17-3-2020, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa phúc thẩm, xem xét kháng cáo của vợ chồng ông Mến. Kết quả, không chấp nhận yêu cầu hưởng 1 tỷ 460 triệu đồng của vợ chồng ông Dương Văn Mến, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh; giữ nguyên nội dung Bản án số 40/2019/DS-ST ngày 29-7-2019 của TAND tỉnh An Giang.
Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, theo quy định của pháp luật, bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Như vậy, về nguyên tắc vợ chồng ông Dương Văn Mến không có quyền kháng cáo bản án dân sự phúc thẩm. Tuy nhiên, bản án này có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu có những căn cứ luật định.
Với trường hợp của gia đình ông Mến, đương sự cần chứng minh về công sức khai thác mảnh đất, xây dựng nhà, chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà nội ông 34 năm qua. Đặc biệt, có chứng cứ chứng minh vợ chồng ông được cấp GCNQSDĐ hợp pháp, hợp tình, không trái quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: N.R