Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Kích cầu tín dụng cho những tháng cuối năm
Với mong muốn sẻ chia cùng khách hàng vượt khó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa triển khai chương trình cho khách hàng vay kinh doanh thế chấp ngắn hạn với lãi suất ưu đãi từ 8,99%/năm, có tổng hạn mức lên đến 20 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu vay của các chủ kinh doanh luôn cần nguồn vốn kịp thời để tăng tốc kinh doanh đến 31/12/2023.
Đại diện MSB cho biết, các khách hàng vay kinh doanh ngắn hạn có tài sản bảo đảm sẽ được cấp vốn với lãi suất 9,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng mới hoặc đang vay tín chấp tại MSB khi có nhu cầu vay thêm vốn phục vụ kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất là 8,99%/năm. MSB cũng cung cấp các giải pháp tài chính cá nhân cho các chủ kinh doanh gói vay tín chấp hạn mức liên thông giữa chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp tới 1,5 tỷ đồng...
Agribank cũng đang áp dụng chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023, cung cấp nguồn vốn với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng. Đối tượng áp dụng của chương trình là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Chương trình áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn với phương thức cho vay đa dạng phù hợp với nhu cầu vốn lưu động của từng doanh nghiệp tham gia chương trình. Đối với lĩnh vực thủy sản, thời gian qua, người nuôi gặp thua lỗ do giá nguyên liệu giảm mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng đang lao đao khi số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm từ 20 - 50%. Để vượt khó khăn, quan trọng là doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính, từ đó duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục.
Từ nay đến hết ngày 30/6/2024, các doanh nghiệp thủy sản sẽ được vay vốn với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Ngay sau khi gói này được triển khai, Agribank cũng cam kết tham gia với 3.000 tỷ đồng, miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, có thêm nguồn vốn, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tích trữ nguyên liệu nuôi sống các nhà máy chế biến, còn nông dân có thêm động lực thoát cảnh phải treo ao. Hiện tại, một số gói tín dụng ưu đãi đáng chú ý là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM. Đây là Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các NHTM đã giảm khoảng 10%/năm so với cuối năm 2022. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi. NHNN cũng đã phối hợp với Hiệp hội ngân hàng để vận động sự thống nhất của các hội viên tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay.
Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB cho biết: Ngân hàng đã và đang thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm chi phí, từ đó giảm lãi vay. Trong đó, ACB đã tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm so với kế hoạch ban đầu; chỉ số chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống mức gần 30%. Từ đó, ngân hàng này cũng thực hiện giảm từ 0,5% - 2% lãi suất cho khách hàng hiện hữu có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất.
Phía TPBank cũng thực hiện nghiêm túc cam kết giảm lãi suất nhằm đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các khoản vay mới và cũ tại TP Bank đều được giảm lãi, gia hạn. Có những khoản vay đủ điều kiện có thể được giảm tối đa tới 3,6% và ngân hàng này cho biết trong nửa cuối năm 2023 vẫn giữ cam kết đồng hành cùng khách hàng với những chương trình hạ lãi suất.
Đề cập về lãi vay cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Vốn với doanh nghiệp như “trồng trọt cần nước”. Do đó, việc kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn như hiện nay là “rất trúng và rất cần thiết”.
Hiện, lãi suất cho vay mới của các NHTM đã được giảm từ 0,5 - 2% so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay ngắn hạn đối với sản xuất kinh doanh hiện từ 5 - 9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến từ 8,5 - 11%/năm.
Khó khăn không đến từ vốn
Agribank dành 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023.
Dù nhiều ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng theo ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần DVC Hà Nội, khó khăn của phần lớn doanh nghiệp hiện nay không đến từ vốn, mà đến từ việc thiếu đơn hàng do sức mua tiêu dùng sụt giảm.
“Từ cuối năm 2022 đến nay, các sản phẩm sản xuất ra bị tồn đọng nhiều, hàng không bán được, nguồn vốn lưu động thành nguồn vốn tồn đọng. Giá nguyên liệu tăng, chi phí nhân công tăng khiến giá thành sản phẩm cao. Doanh nghiệp muốn thay đổi hướng đi cũng không phải dễ, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thị trường trong nước và xuất khẩu đều đang gặp khó khăn. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng bán ra giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022, tồn kho tương đương 8 tỷ đồng. Đối với thị trường Lào, đơn vị đã hạ 30% giá, chấp nhận lỗ ở mức nhất định để duy trì việc làm cho lao động...”, ông Vũ Minh Quân chia sẻ.
Tình trạng sụt giảm đơn hàng đã lan sang nhiều ngành, nghề khác. Ngoài việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường. Bên cạnh đó, xu hướng ngày càng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng: Giảm lãi chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Quan trọng nhất trong hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế là không chỉ có chính sách tiền tệ mà phải phối hợp đồng bộ với các chính sách khác để đảm bảo mức độ thẩm thấu, thì việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả. Trước mắt phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ tâm lý sợ trách nhiệm, sợ rủi ro. Đây là vấn đề ách tắc lớn hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng: Thúc đẩy đầu tư công nhanh hơn là động lực chính khôi phục tăng trưởng kinh tế trong nước trở lại trong năm nay. Hơn nữa, đóng góp vào GDP của Việt Nam bao gồm kinh tế nội địa và kinh tế xuất khẩu, song xuất khẩu lại gặp khó khăn nên kinh tế nội địa là yếu tố quyết định tăng trưởng GDP. Do đó, cần đẩy mạnh những giải pháp kích thích nhu cầu tiêu dùng trở lại như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch, giải trí đang trên đà hồi phục…
TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Hà Nội (Hanoisme):
Đây là giai đoạn khó khăn rất lớn đối với doanh nghiệp khi mà sức cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đều giảm sút, trong khi lượng tồn kho của doanh nghiệp lớn. Để duy trì được hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp đã và đang phải giảm công suất, sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động trong một thời gian. Vấn đề nữa là trong vấn đề bài toán tài chính, vào dịp tháng 9, tháng 10/2022, lãi suất cho vay đối với ngành sản xuất là tương đối cao, nhiều doanh nghiệp phải vay với mức lãi suất là trên 13%, khi lãi suất cao, lợi nhuận đối với ngành sản xuất là bị hẹp rất nhiều.
Giải pháp ở đây, tôi nghĩ phải quyết liệt kích thích từ đầu tư công. Trong đầu tư công, Việt Nam cần ưu tiên để sử dụng các cái sản phẩm dịch vụ sản xuất của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Nếu không ưu tiên, quy mô của các doanh nghiệp này khó được cải thiện. Giải pháp nữa, lãi suất chắc chắn phải điều chỉnh giảm dưới 10%, thậm chí chỉ tiệm cận ở khoảng 6 - 7%, khả năng các doanh nghiệp mới có thể vay được. Bên cạnh đó, điều kiện cho vay cần phải cắt giảm.
Do vậy các Bộ, ngành cần phải tăng tốc đẩy mạnh các hoạt động về giao thương ở các chương trình hỗ trợ, kích cầu, giảm giá, khuyến mãi liên tục không chỉ là ở các thành phố Trung ương mà phải đẩy mạnh ở vùng sâu vùng xa nữa. Chúng ta phải cho vay trong tiêu dùng bởi vì chúng ta phải cho vay, sức mua mới tăng được.
Theo Báo Tin tức