Ngân hàng đồng hành, gắn kết doanh nghiệp

21/08/2024 - 01:52

 - Xác định khó khăn của doanh nghiệp (DN) là rủi ro của ngân hàng, các chương trình kết nối ngân hàng - DN được tổ chức thường xuyên hơn, tiên phong bởi các ngân hàng lớn thuộc nhóm “Big4” (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank). Qua đó, ngân hàng - DN càng cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành cùng nhau tốt hơn.

Giảm mặt bằng lãi suất

Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh An Giang và chi nhánh Châu Đốc đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - DN năm 2024. Chủ trì đối thoại với 29 DN tại hội nghị có Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Thị Kim Chi; Giám đốc VietinBank chi nhánh An Giang Lâm Tấn Phước và Giám đốc VietinBank chi nhánh Châu Đốc Bùi Thành Kỉnh.

Thông tin với cộng đồng DN, Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh An Giang Trần Minh Trung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, VietinBank chi nhánh An Giang và chi nhánh Châu Đốc nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 2 - 3% nhằm tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD). Hiện có 2.766 DN có quan hệ giao dịch với 2 chi nhánh VietinBank, tổng tài sản của khách hàng DN tính đến ngày 30/6/2024 đạt 3.434 tỷ đồng.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng trao đổi tại hội nghị

“Mong muốn của chúng tôi là ngân hàng và DN luôn đồng hành với nhau, cùng đi chung con thuyền để lèo lái về phía trước. Từ ngày 1/7/2024, VietinBank triển khai giải ngân online, khuyến khích DN sử dụng ngân hàng điện tử nhằm đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh và quản lý dòng tiền hiệu quả” - ông Trần Minh Trung chia sẻ.

Doanh nghiệp phấn khởi

“Chúng tôi rất vui khi các chương trình kết nối ngân hàng - DN được tổ chức thường xuyên hơn, thể hiện sự cầu thị của ngân hàng trong đồng hành, hỗ trợ DN cùng phát triển. Trong nền kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất vay cho DN là điều đáng trân quý” - ông Nguyễn Anh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Đức Anh (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) trải lòng.

Đồng tình với đánh giá này, Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa nông An Giang Trần Văn Khôn cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ DN tiếp cận vốn với lãi suất tốt, hỗ trợ DN triển khai các kế hoạch SXKD hiệu quả.

“Mong muốn của DN là NHNN tiếp tục có những gói tín dụng ưu đãi nhiều hơn cho DN An Giang, nhất là các gói vay ngắn hạn với lãi suất thấp. Đối với VietinBank, nên nghiên cứu thêm các chương trình cho vay thường niên có thời hạn vay 6 tháng, 12 tháng với lãi suất tốt để giúp DN xoay vòng vốn phục vụ SXKD” - ông Trần Văn Khôn đề nghị.

Doanh nghiệp trao đổi ý kiến với ngân hàng

Trong khi đó, các DN kinh doanh lúa gạo, vật tư nông nghiệp đề nghị ngân hàng tăng cường cho vay đối với hình thức thế chấp tồn kho hàng hóa, cho vay trên hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng liên kết - tiêu thụ giữa DN với nông dân, hợp tác xã, thay vì chỉ thế chấp bất động sản. DN lấy ví dụ, sau khi ký hợp đồng xuất khẩu, để mua 1.000 tấn gạo, DN cần vốn hơn 10 tỷ đồng mua lúa.

Nhu cầu vốn trong ngành lúa gạo rất lớn nhưng xoay vòng nhanh, cần tăng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất vào cao điểm thu mua lúa, đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu. Tương tự, đối với ngành vật tư nông nghiệp, DN đầu mối phải đầu tư 100 - 200 tỷ đồng cho đại lý trữ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng nhu cầu sản xuất liên tục 3 vụ/năm của nông dân. Dòng vốn này được hoàn lại sau mỗi vụ sản xuất, ngân hàng có thể cho vay bằng hình thức thế chấp hàng hóa để DN xoay vòng vốn.

Mở rộng đồng hành

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, việc thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - DN được cộng đồng DN hoan nghênh, đánh giá cao. “Ngoài những DN là khách hàng của ngân hàng VietinBank, tôi nghĩ nên mời thêm những DN chưa phải là khách hàng để lắng nghe thêm ý kiến, trăn trở của DN. Từ đó, ngân hàng có những điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu, mở rộng khách hàng tốt hơn” - bà Chi đề xuất.

Trên cơ sở lắng nghe DN, Giám đốc VietinBank chi nhánh An Giang Lâm Tấn Phước cho biết, ngân hàng sẽ thiết kế các gói lãi suất theo kỳ hạn và dòng tiền, trong đó có các gói vay ngắn với lãi suất thấp. “Về cấp hạn mức tín dụng, sẽ thực hiện theo các ngành kinh doanh đặc thù, ngân hàng cố gắng cấp hạn mức tối đa để DN sử dụng.

Riêng với ngành hàng lúa gạo, vật tư nông nghiệp, DN cần xây dựng kế hoạch mở rộng SXKD từ đầu năm, chủ động bàn bạc trước với ngân hàng về nhu cầu vốn, thủ tục thế chấp hàng tồn kho, ngân hàng có thể ký thỏa thuận hợp tác trước với DN để cấp vốn theo nhu cầu. Mong muốn của ngân hàng là cấp đủ vốn cho DN nhưng dòng vốn phải xoay đều để không vướng, không kẹt với nhau” - ông Lâm Tấn Phước khẳng định.

Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị kết nối ngân hàng - DN. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực, giúp ngân hàng lắng nghe ý kiến, kiến nghị, ghi nhận khó khăn của DN để có giải pháp tháo gỡ về nhu cầu vốn vay, thời gian vay, hình thức thế chấp...

VietinBank ký kết hợp đồng cho vay nguyên tắc với doanh nghiệp

Nỗ lực của ngành ngân hàng giúp dư nợ tín dụng của An Giang 6 tháng đầu năm đạt 121.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3%, cao hơn bình quân cả nước (tăng trưởng tín dụng 6,2%). Trong khi đó, toàn tỉnh huy động vốn đạt 70.000 tỷ đồng; nguồn vốn huy động thấp hơn nguồn vốn cho vay nên các ngân hàng đã chủ động điều vốn từ hội sở chính về tỉnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ SXKD của DN, người dân.

Cùng với tăng trưởng tín dụng tốt, chất lượng tín dụng cũng đảm bảo, khi nợ xấu chỉ chiếm 0,92% so dư nợ, trong đó nợ xấu của VietinBank chỉ chiếm 0,44% dư nợ, tạo sự an tâm trong hoạt động tín dụng. “NHNN có nhiều chương trình ưu đãi cho vay, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ áp dụng lãi suất 4%; có nhiều gói vay ưu đãi trong kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản.

Bản thân ngân hàng cũng là DN, thực hiện huy động vốn để cho vay lại. DN và ngân hàng phải đồng hành, chia sẻ cùng nhau; ngân hàng cần tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để có lãi suất tốt, còn DN cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch SXKD, kế hoạch sử dụng vốn và xoay vòng vốn hiệu quả để hỗ trợ cùng nhau phát triển” - Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng lưu ý.

NGÔ CHUẨN