Ngăn ngừa hiểm họa cháy từ cơ sở kinh doanh

04/05/2023 - 06:22

 - Người xưa có câu “bán bà con xa, mua láng giềng gần”, nhắc nhở sự đoàn kết, gắn bó giữa những người sống lân cận nhau. Nhưng trong nhiều trường hợp, láng giềng lại mang đến nỗi lo lắng thường trực vì sản xuất - kinh doanh (SXKD) không đảm bảo vệ sinh môi trường, nguy cơ cháy, nổ cao.

Nỗ lực chữa cháy tại xưởng gỗ K.T.M

Ông N.H.B (một hộ dân trên đường Nguyễn Trường Tộ, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ việc. Theo ông, Công ty TNHH Tư vấn K.T.M (Công ty K.T.M) hoạt động nhiều năm nay, nằm lọt giữa các nhà mặt phố san sát.

Không ít lần, người dân phàn nàn vì hoạt động SXKD của công ty gây ô nhiễm môi trường, phát ra tiếng ồn khó chịu. Ủng hộ việc kinh doanh, phát triển kinh tế của doanh nghiệp, không có nghĩa là bà con phải “đồng hành” cùng những phiền toái như thế.

Mấy năm trước, Công ty K.T.M đột nhiên xảy ra hỏa hoạn, nhưng may mắn dập tắt kịp thời. Vụ việc làm bà con hàng xóm một phen hoảng sợ. Nhắc nhở chủ công ty, nhưng họ chỉ nhận lại thái độ bình thản, quá trình SXKD gỗ vẫn diễn ra như cũ. Đêm khuya cuối tháng 3/2023, các hộ dân hốt hoảng thức dậy bởi ngọn lửa hung hãn xuất phát từ Công ty K.T.M sắp “bò” đến nhà họ.

“Thời điểm đó cuối tuần, trong xưởng gỗ không còn ai. Người dân chúng tôi xúm nhau di dời đồ đạc, hàng hóa, đẩy xe ôtô chở hàng của công ty ra khỏi khu vực cháy, tránh phát nổ chiếc xe, nơm nớp lo sợ lửa tràn vào nhà mình. Chữa cháy xong thì trời gần sáng, mọi người đều mệt nhoài, nhà cửa như bãi chiến trường.

Bức xúc nhất là sang đầu tuần, nhân công dọn dẹp xưởng gỗ, Công ty K.T.M vẫn hoạt động bình thường như không có gì xảy ra, không có bất cứ hành động thiện chí nào với chúng tôi. Một cơ sở SXKD mặt hàng dễ cháy, nổ như thế tại sao có thể được cấp phép hoạt động trong khu dân cư đô thị?” - ông B. bức xúc.

Sau vụ cháy, cùng với ý kiến phản ánh của các hộ dân, ngày 11/4/2023, UBND phường Bình Khánh chỉ đạo Công an phường phối hợp các đơn vị có liên quan kiểm tra công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại Công ty K.T.M. Công ty được thành lập và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên, do Phòng đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cấp lần đầu ngày 8/10/2008; cấp đăng ký thay đổi lần thứ 5 ngày 18/5/2021; ngành nghề SXKD đồ gỗ.

Xưởng sản xuất gỗ gồm 1 tầng, diện tích sàn xây dựng khoảng 880m2, tổng khối tích khoảng 4.447m3, chiều cao PCCC khoảng 7m; kết cấu xây dựng khung thép, tường gạch, mái tole và sàn bê-tông, bậc chịu lửa bậc III. Qua kiểm tra thực tế, nhận thấy quy mô kinh doanh của Công ty K.T.M vượt thẩm quyền quản lý, UBND phường Bình Khánh đề xuất Công an TP. Long Xuyên tiếp nhận và quản lý an toàn PCCC theo thẩm quyền. Hiện nay, phía công ty đang dự kiến di dời xưởng gỗ đi nơi khác.

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Bà L.T.U.C (ngụ ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú) khẳng định, gia đình mình cũng là nạn nhân của vụ cháy, nổ xuất phát từ sự bất cẩn trong kinh doanh của hàng xóm. “Khuya 3/3/2022, kios của bà H.T.H bị cháy. Căn nhà của tôi nằm cạnh bên, bị thiệt hại nặng nề nhất.Bà H. kinh doanh trái cây, nhưng trong kios chứa nhiều vật dụng dễ cháy, như: Bình gas, giấy vụn, chai nhựa. Các ổ điện đã cũ kỹ, không được thay mới. Thậm chí, bà còn làm bàn thờ, thường xuyên đốt nhang. Kios diện tích nhỏ, chỉ phục vụ mua bán, nhưng bà lại biến thành nơi sinh hoạt, vì vậy mới xảy ra vụ cháy. Hơn 1 năm sau vụ cháy, tôi vẫn phải gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ giải quyết dứt điểm” - bà C. bức xúc.

Nghị định 136/NĐ-CP, ngày 24/11/2020 của Chính phủ bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (nhà tập thể, nhà trọ, trường tiểu học, THCS, nhà để ở kết hợp SXKD hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình; hầm đường bộ, hầm đường sắt có chiều dài từ 500m trở lên…).

Theo đó, hộ gia đình sinh sống kết hợp SXKD phải có nội quy về PCCC, có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC; về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Công an; có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực SXKD; đồng thời có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Điều kiện này phải được hộ gia đình thực hiện, duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công trình nhà ở kết hợp SXKD được bố trí liền kề trong khu dân cư, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC. Quá trình SXKD mặt hàng nguy cơ cháy, nổ cao (vải, gas, quần áo, đồ gỗ, vàng mã…) lại không chú trọng phương án PCCC theo quy định, hoặc chỉ mang tính chất đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát, siết chặt quản lý đối với các trường hợp này, đảm bảo cuộc sống an toàn trong khu dân cư, khu đô thị.

VẠN LỘC