Ngành công thương phát triển kinh tế tuần hoàn

20/12/2024 - 06:56

 - Với chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực ngành công thương, thời gian qua, bộ phận chuyên môn Sở Công Thương quan tâm hướng dẫn các địa phương thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ phận chuyên môn Sở Công Thương còn triển khai các chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, năng lượng hóa thạch. Tăng cường hỗ trợ các cơ sở ứng dụng công nghệ phát triển sản xuất giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. Hướng dẫn triển khai các giải pháp kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý môi trường cho các ngành công nghiệp theo điều kiện cụ thể của địa phương; rà soát, xây dựng và ban hành định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai giải pháp quản lý và công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản không làm vật liệu xây dựng, chú trọng chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, triển khai các thể chế, chính sách về cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình KTTH trong xây dựng, vận hành, quản lý các khu, cụm công nghiệp.

Về công nghiệp chế biến, cả tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp (DN) sản xuất chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp. Trong đó, khoảng 100 DN xay xát, chế biến gạo; 34 DN chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; 7 DN chế biến và bảo quản rau quả. Hiện, có trên 97 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Về phát triển ngành năng lượng tái tạo, với sản lượng trấu, rơm, rác thải và các phụ phẩm nông nghiệp khác, An Giang có tiềm năng phát triển thêm các nguồn điện sinh khối và điện gió. Do đó, tỉnh cần quan tâm phát triển khuyến khích áp dụng mô hình KTTH, xanh hóa các ngành kinh tế với một số giải pháp, như: Ban hành chủ trương, chính sách khuyến khích áp dụng mô hình KTTH định hướng phát triển bền vững trong các ngành kinh tế. Vận động chuyển đổi các mô hình kinh tế tuyến tính trong DN hướng đến nền KTTH dựa trên ứng dụng khoa học -  công nghệ, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức của người dân, DN về ý nghĩa của KTTH trong thời đại phát triển của khoa học - công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tích cực ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, thiên nhiên giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển các khu, cụm công nghiệp mang tính chiến lược phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội của khu vực cụ thể, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng vòng đời của nguyên liệu đầu vào, tái chế và giảm tối thiểu chất thải ra môi trường. 

Tăng cường tính tuần hoàn của các nguồn tài nguyên quan trọng đối với các quy trình công nghiệp, bằng cách giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên có thể cạn kiệt, tạo ra nguồn năng lượng mới năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối. Khuyến khích áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm giảm phát thải khí CO2 đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường từ việc bán tín chỉ carbon…

Mô hình KTTH trong ngành công thương, đặc biệt là trong các khu, cụm công nghiệp là bước quan trọng hướng tới sự phát triển xanh, bền vững. Để đạt được hiệu quả tối ưu của KTTH thì việc tăng cường chính sách và ưu đãi để thúc đẩy sự tham gia của DN kinh doanh hạ tầng, DN thứ cấp và cơ quan quản lý là hết sức cần thiết. Sự chủ động trong quản lý và tái tạo tài nguyên được xem là chìa khóa quan trọng để tạo nên môi trường sản xuất thân thiện, nâng cao cạnh của sản phẩm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

NGỌC DIỆU (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp)