Ngành giáo dục nỗ lực khắc phục thiệt hại, đón học sinh trở lại sau bão Yagi

17/09/2024 - 19:29

Ngay sau bão, ngành giáo dục và đào tạo đã khẩn trương tổ chức vệ sinh, dọn dẹp trường lớp đồng thời kêu gọi hỗ trợ cho các nhà trường, học sinh, sinh viên.

Trường học tại Hà Nội bị ngập vì bão Yagi.(Ảnh: PV/Vietnam+)

 

Siêu bão Yagi với mưa to và gió lớn khiến nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.

Ngay sau bão, cùng với sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền các địa phương, ngành giáo dục đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả để có thể mở cửa đón học sinh trở lại trường sớm nhất với nhiều giải pháp.

Khẩn trương vệ sinh, sửa chữa trường lớp

Tại Lạng Sơn, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Thị Khánh Vân, sau bão, đơn vị này đã chỉ đạo các trường học phối hợp với các lực lượng ở địa phương khẩn trương hỗ trợ, khắc phục các thiệt hại; dọn dẹp, vệ sinh trường/lớp học đảm bảo an toàn, sạch sẽ, phòng tránh dịch bệnh để tiếp tục công tác dạy và học. Địa phương cũng huy động các lực lượng hỗ trợ các nhà trường. 

Lạng Sơn đã tiến hành triển khai sửa chữa cơ sở hạ tầng, di dời thiết bị khỏi những nơi chưa an toàn đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra từ sở đến các địa phương, các trường, nhất là các điểm trường gần sông, suối, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để khắc phục kịp thời.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức hỗ trợ tâm lý cho giáo viên, học sinh, đặc biệt là những gia đình thiệt hại. Toàn bộ học sinh trong tỉnh đã trở lại học bình thường từ ngày 16/9.

Tại Yên Bái, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết ngay khi nước rút tỉnh đã huy động tối đa lực lượng trên địa bàn tỉnh và lực lượng hỗ trợ với số lượng khoảng 104.000 người để khắc phục bão lũ. Do mất điện, thiếu nguồn nước, thiếu thiết bị chuyên dụng nên việc vệ sinh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, toàn tỉnh đã nỗ lực để đưa học sinh trở lại trường từ ngày 16/9, một số nơi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng sẽ cố gắng có thể đón học sinh từ ngày 18/9.

Các giáo viên ở Hà Nội khùa bùn vệ sinh trường theo nước rút. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Thái Nguyên, chính quyền, các cơ quan trên địa bàn, lực lượng quân sự địa phương, Đoàn thanh niên, các thầy cô giáo của các trường, các địa phương không bị ngập lụt đã cùng chung tay giúp các cơ sở giáo dục bị ngập nước ở thành phố Thái Nguyên tiến hành dọn dẹp vệ sinh và phun khử khuẩn.

Tương tự, tại Hà Nội, cán bộ giáo viên các trường không bị ngập đã đến hỗ trợ dọn dẹp, vệ sinh cho các trường bị ngập. Các nhà trường cũng nhận được sự chung sức của phụ huynh, học sinh. Một số trường, cán bộ, giáo viên phải túc trực cả đêm, canh nước rút để khùa bùn, giúp việc vệ sinh được nhanh chóng và sạch sẽ hơn.

Kêu gọi hỗ trợ

Trước những thiệt hại nặng nề, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kêu gọi toàn ngành chung tay ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi nói chung và ngành giáo dục các tỉnh phía Bắc nói riêng.

“Bất kỳ sự hỗ trợ nào, từ cuốn vở, quyển sách hay bằng tiền mặt, đồ dùng cá nhân… vào thời điểm này đều rất đáng trân trọng,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi uỷ ban nhân dân các tỉnh quan tâm, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Yagi cho các nhà trường nhằm sớm đảm bảo các điều kiện dạy và học. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cũng vừa ký văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm có sự hỗ trợ về tài chính như miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn đối với các sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động toàn ngành ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Lào Cai, ngày 16/9, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có thư kêu gọi ủng hộ ngành giáo dục của tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 thông qua đơn vị tiếp nhận là Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai. Sở cũng cung cấp các số điện thoại để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm có thể nắm bắt thông tin về sách, vở, đồ dùng học tập, quần áo cho học sinh, thiết bị đồ dùng dạy học, địa chỉ các cơ sở giáo dục bị thiệt hại.

“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin, kết nối tới các cơ sở giáo dục hoặc tiếp nhận hỗ trợ để chuyển đầy đủ tới các em học sinh và các cơ sở giáo dục kịp thời theo đúng đối tượng, địa chỉ mà các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp đầy đủ hiện vật, tiền (nếu có) của các tổ chức, cá nhân ủng hộ qua Sở Giáo dục và Đào tạo và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai theo quy định,” thư kêu gọi nêu rõ.

Cũng trong ngày 16/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng ra văn bản yêu cầu các nhà trường không được kêu gọi vận động tài trợ từ phụ huynh, giãn các khoản thu để giảm áp lực tài chính cho phụ huynh do đã bị ảnh hưởng nặng nề từ bão Yagi.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi gửi về Bộ Giáo dục Đào tạo cho thấy, tính đến thời điểm ngày 16/9, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng.

Trong đó, thiệt hại về cơ sở vật chất là trên 514,7 tỷ đồng. Thiệt hại về trang thiết bị dạy học là trên 745,8 tỷ đồng. Lào Cai là tỉnh có thiệt hại về cơ sở vật chất nhiều nhất, ước tính 186,7 tỷ đồng; tiếp đó là Hải Dương, ước tính thiệt hại 137,75 tỷ; Bắc Giang gần 61,2 tỷ. Về thiết bị dạy học, Quảng Ninh là địa phương có thiệt hại nặng nề nhất, trên 345 tỷ; tiếp đó là Lào Cai, ước tính thiệt hại trên 315 tỷ. Số sách giáo khoa bị hư hỏng 41.564 bộ.

Không chỉ thiệt hại về cơ sở vật chất, theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 14/9, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích.

Tính đến ngày 16/9, vẫn còn 99 trường/điểm trường chưa thể đi học trở lại vì mưa bão./.

Theo Vietnam+