Tư vấn nghề, giải quyết việc làm hiệu quả
Kết quả nổi bật là chỉ tiêu lao động và việc làm. Toàn tỉnh An Giang đã đưa 520 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn (đạt tỷ lệ 173%). So tổng số lao động trên địa bàn tỉnh, đến nay tỷ lệ lao động được đào tạo chiếm 69,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 28,5%, giữ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.
Thực hiện chính sách giảm nghèo giúp người dân có điều kiện ổn định cuộc sống
Thực hiện công tác giảm nghèo (theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025): ước số hộ nghèo cuối năm 2023 là 9.569 hộ (giảm 1% so năm 2022), đạt chỉ tiêu kế hoạch giảm từ 1 – 2%/năm; hộ cận nghèo là 21.675 hộ, chiếm 4,11% (giảm 0,5% so với 2022).
Ngành còn thực hiện đạt chỉ tiêu về xã hội, an sinh xã hội cùng những nhiệm vụ trọng tâm khác với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn và đôn đốc các địa phương trong triển khai từng nhiệm vụ.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Châu Văn Ly thông tin, đầu năm, đơn vị đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực ngành quản lý trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, nắm tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội; thực hiện đầy đủ kịp thời chính sách an sinh xã hội, nhất là việc hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng người có công, đối tượng chính sách xã hội trong dịp Tết Nguyên đán.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, đơn vị còn tham mưu UBND tỉnh An Giang kịp thời bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tổ chức tập huấn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, sửa đổi, bổ sung cho các địa phương.
Tuyển sinh, đào tạo nghề là một trong số “điểm sáng” của năm 2023
Đặc biệt trong năm 2023, công tác lao động việc làm đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là việc tổ chức thành công các hoạt động: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp; Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và các hội thi cấp tỉnh, cấp quốc gia; tư vấn và các phiên giao dịch việc làm…
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chủ động và tăng cường phối hợp với địa phương, doanh nghiệp tuyên truyền, tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp. Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, như: Miễn giảm học phí; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng; chính sách hỗ trợ học nghề cho các đối tượng đặc thù theo quy định.
Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Ngoài ra, công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục và lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào Cơ sở cai nghiện ma túy đã được triển khai áp dụng, từng bước đi vào nề nếp, đúng quy định.
Năm 2024, ngành lao động – thương binh và xã hội tỉnh An Giang xác định mục tiêu đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính đạt hiệu quả. Cùng với đó, phát động toàn hệ thống giảm thủ tục, đẩy nhanh việc xử lý, giải quyết hồ sơ, chính sách các đối tượng phục vụ.
Phối hợp các đơn vị, ban, ngành tham gia công tác bình đẳng giới
Với 6 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong năm mới, ngành phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, các hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội. Tỉnh tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách, quan tâm người có công với cách mạng, nâng mức sống của hộ người có công với cách mạng ngang bằng với mức sống trung bình theo quy định.
Phát huy kết quả đạt được của năm 2023, công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục nâng chất, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm. Song song đó, tiếp tục triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh An Giang. Thúc đẩy, tạo chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ và quyền trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy.
MỸ HẠNH