Dỡ chà bắt cá trên sông

12/12/2024 - 07:31

 - Được xem là hình thức khai thác cá tự nhiên độc đáo và hiệu quả, dỡ chà là một trong những cách mưu sinh của nghề “bà cậu” cho đến bây giờ. Tuy nhiên, với sự “đổi tính, đổi nết” của con nước lũ, người theo nghề dỡ chà cũng đối mặt với tương lai bấp bênh.

Quá khứ “vàng son”

Trong các nghề hạ bạc, dỡ chà được xem là “tốp trên”, bởi người theo nghề ngoài kinh nghiệm thực tế, còn đòi hỏi nguồn vốn kha khá. Không khai thác cá từ lúc đầu mùa lũ, người làm nghề dỡ chà “chễm chệ” đón con nước cuối mùa, khi cá lên đồng đẻ trứng, mập mạp để ra sông lớn. Lúc này, người ta chất những đống chà ven bờ kênh, bờ sông để cá tìm đến ở. Vì vậy, cá dỡ chà thường là cá ngon, nên giá bán cũng cao hơn.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề dỡ chà, ông Trần Văn Ơn (ngụ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) được dân địa phương xem như “cựu trào” trong nghề. Ông Ơn cho biết: “Cái hay của nghề dỡ chà chính là việc tạo ra chỗ ở cho các loài cá. Khi cá vô ở, chủ chà phải biết cách giữ cá bằng việc cho chúng ăn. Thực chất việc này giống như mình đang nuôi cá ngoài tự nhiên theo kiểu bán hoang dã vậy”.

Ngư dân khai thác cá bằng nghề dỡ chà trên sông

Theo lão ngư này, thức ăn chủ chà dùng để “dụ” cá trước kia là lúa rang. Đây được xem là “mồi bén” của loài cá, nên chúng bu lấy, ngớp trắng mặt nước khiến chủ chà phấn khởi. “Hồi đó, chim trời cá nước bạt ngàn, mạnh ai nấy bắt. Mỗi bận dỡ chà, người ta có thể thu 3 - 4 tấn cá đủ loại, cá lớn cỡ bàn tay không hiếm. Những lúc gạn chà, người trên bờ, kẻ dưới nước kêu nhau í ới. Họ phải dùng cần xé đựng cá vì số lượng rất nhiều, nhìn mê cả mắt. Người nào thất thu nhất cũng hơn tấn cá, đem cân bạn hàng 1 chuyến là có đủ gạo nuôi sống gia đình mấy tháng” - ông Ơn nhớ lại.

Vì sản lượng cá dỡ chà không thể tiêu thụ hết tại chỗ, các chủ chà thường trang bị thêm chiếc ghe đục để mang cá đến những miệt xa hơn. Như ông Ơn, phải đổ cá xuống ghe đục mang đi Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) hay các tỉnh miệt dưới. Tuy phải vất vả đi xa, nhưng nhờ cuộc sống lúc đó khá sung túc nên ông không thấy mệt. Cách tháng, ông dỡ chà 1 lần, đủ cho gia đình cơm no ấm áo. Tết đến, trong nhà thịt kho, bánh tét đủ đầy, bàn thờ gia tiên cũng ấm cúng, sung túc những ngày đầu năm.

Ông Ơn còn nuôi sống nhiều gia đình khi thuê mướn nhân công. Cá dư nhiều, ông biếu người một ít về ăn, giúp họ không lo đói dăm bữa. Gạo hết, thì đến bận dỡ chà, nhân công lại có việc. Cứ thế, nghề dỡ chà tiếp nối đến Tết Nguyên đán, sang tận cả tháng Giêng, tháng 2 năm sau. Vì xép Năng Gù mực nước ổn định quanh năm, ít sóng lớn nên nơi này xuất hiện rất nhiều đống chà của những người theo nghề trước đây. Tuy nhiên, nghề dỡ chà cũng dần rơi vào sự hẩm hiu, khi mùa lũ giờ đây không còn hào phóng.

Hiện tại hẩm hiu

Nheo nheo đôi mắt kèm nhem, ông Ơn trở về thực tại của nghề dỡ chà hiện nay. Từ chỗ chất 20 đống chà mỗi mùa nước, giờ ông chỉ còn 2 - 3 đống, với số cá vài chục ký mỗi lần gạn. Cá ít, ông đem bán chợ địa phương, không mang đi xa như trước. “Giảm về sản lượng và chủng loại cá cũng thiếu vắng theo thời gian. Một số loại, như: Cá ngựa, cá rô biển, cá leo vốn xuất hiện rất nhiều trong quá khứ thì nay chỉ lèo tèo vài con. Chưa kể đến những loại “thông dụng” như cá mè vinh, cá dảnh cũng bắt đầu ít đi từ vài mùa nước gần đây. Sản lượng cá giảm, những người gắn bó với nghề này bắt đầu tìm hướng mưu sinh mới. Các con tôi bỏ nghề dỡ chà đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai” - ông Ơn chia sẻ.

Cùng nỗi niềm với ông Ơn, ông Bảy Hồng (ngụ xã Bình Thủy, huyện Châu Phú) cũng đang lay lắt với nghề. Mấy mùa nước trước, Bảy Hồng còn kiếm được vài chục triệu đồng để đón Tết. Mùa này, ông thấy không mấy khả quan. “Vì bổn nghệ mình còn, nên phải làm để kiếm tiền ăn Tết. Cái nghề nó gắn với mình như thói quen, cứ thấy nước dưới sông rút từ từ là trong bụng lại nôn nao, thôi thúc phải đi chất chà. Hiện tại, tôi sống nghề mua bán là chủ yếu, tới đợt dỡ chà mới, tụ tập anh em lại để cùng làm. Mấy đợt đầu cũng ít, mới đỡ hơn ở lần gạn trước đây vài ngày. Mong “bà cậu” độ thêm mấy bận cho ngon, để anh em theo tôi có nguồn thu ăn Tết. Bây giờ, dân lao động cũng gặp khó khăn, nhiều người lớn tuổi bỏ việc về quê sống. Sẵn mình có bổn nghệ mà không có nhân công, nên kêu họ phụ, nhờ vậy ai cũng có đồng vô” - Bảy Hồng chia sẻ.

Lặng lẽ nhìn xuống dòng nước xép Năng Gù đã bình lặng sau mùa lũ, Bảy Hồng không giấu được sự bịn rịn, trăn trở với cái nghề đã theo ông mấy chục năm ròng. Có lẽ, ông vẫn muốn mùa sau lại chất chà trên xép Năng Gù, lại được chứng kiến những con cá tươi ngon, xoi xói nhảy khỏi mặt nước lúc gạn chà. “Nếu cuối mùa này thu nhập khá, tôi cũng cố gắng đầu tư thêm. Nghề con cá, nói giàu không giàu, nhưng mình siêng năng thì cũng không lo đói. Hy vọng, tôi còn gắn bó được với nghề hạ bạc này lâu hơn” - Bảy Hồng trải lòng.

MINH QUÂN