Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 26-7:
Sự kiện trong nước
- Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) trong hệ thống bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ đó đến nay, ngày 26-7 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành KSND đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của Nhân dân. Bằng những kết quả của các lĩnh vực công tác kiểm sát, Viện Kiểm sát các cấp đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Lễ trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Kiểm sát nhân dân (7-2020).
Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành KSND đã không ngừng nâng cao về chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm sát; hệ thống tổ chức Viện Kiểm sát các cấp ngày càng được kiện toàn, cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được tăng cường theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm sát viên vững vàng về lập trường chính trị, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức theo lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; công tác xây dựng ngành thường xuyên gắn với công tác xây dựng Đảng.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc, ngành KSND đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ ba) năm 2020...
(Theo vksndtc.gov.vn)
Sự kiện quốc tế
Trụ sở FBI. Ảnh: FBI
- Ngày 26-7-1908: Cục Điều tra (BOI), tiền thân của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI), được thành lập.
Lãnh tụ Fidel Castro. Ảnh: cand.com.vn
- Ngày 26-7-1953: 135 thanh niên yêu nước do một luật sư trẻ tuổi Fidel Castro chỉ huy, đã mở cuộc tấn công vào trại lính Moncada (trại lính lớn thứ hai ở Cuba) nằm ở thành phố Santiago, nhằm thức tỉnh nhân dân Cuba, cướp kho vũ khí của địch phân phát cho nhân dân, phát động nhân dân nổi đậy lật đổ chế độ độc tài Batixta.
- Ngày 26-7-1961: Đảng của giai cấp công nhân Cuba thành lập trên cơ sở thống nhất ba tổ chức cách mạng: "Phong trào 26-7", "Đảng Xã hội chủ nghĩa nhân dân Cuba", "Phong trào 13-3" thành tổ chức cách mạng thống nhất được củng cố lại, lấy tên là Đảng Thống nhất cách mạng xã hội chủ nghĩa và đến 3-1-1965, đổi tên thành Đảng Cộng sản Cuba.
(Theo baothainguyen, baoninhthuan)
Theo dấu chân Người
Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán tại Fontainebleau. Ảnh tư liệu
- Ngày 26-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Fontaineblea nơi đang diễn ra cuộc đàm phán Việt - Pháp. Cùng ngày, tờ La Liberta (Tự do) đăng bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch, trong đó bày tỏ: “… Mong muốn xây dựng mối quan hệ Việt - Pháp thật thà bình đẳng”, bởi vì “nước Pháp cần đến chúng tôi. Chúng tôi cũng cần đến nước Pháp. Vấn đề chính là nước Pháp làm thế nào mua được tấm lòng của 20 triệu dân Việt Nam tự do. Muốn như vậy thì không nên tìm cách “lừa gạt” chúng tôi, không nên sinh chuyện lôi thôi vô ích”.
- Ngày 26-7-1947, Bác chủ trì phiên họp của Chính phủ có sự tham gia của các vị đại diện Quốc hội thảo luận về chủ trương cải tổ Chính phủ do Chủ tịch đề xuất nhằm mục đích mở rộng cho nhiều người được tham gia, để tránh sự chia rẽ của Pháp và để lấy ảnh hưởng với quốc tế... Sự thay đổi này có tính cách rộng rãi, các vị thân hào có tiếng tăm được tham gia để tiêu biểu sự đoàn kết của các tầng lớp dân chúng.
- Ngày 26-7-1951, Bác gửi thư cho Bộ trưởng Thương binh, Cựu binh đặt vấn đề: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Họ đã làm trọn nhiệm vụ, họ không đòi hỏi gì cả.
Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng?”. Và Bác đề xuất “giúp lâu dài, chứ không phải chỉ giúp trong một thời gian. Không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh” mà bằng phương thức lấy từ quỹ đất công của làng xã, của những người hảo tâm hay khai hoang để cấp cho thương binh và giúp họ sản xuất “như thế thì đồng bào mỗi xã đó được thỏa mãn lòng ước ao báo đáp anh em thương binh; mà anh em thuơng binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và vẫn có dịp tham gia sự hoạt động ích lợi cho xã hội”.
Cùng ngày 26-7-1951, Báo Nhân Dân đăng bài “Phụ nữ kiểu mẫu” của Bác biểu dương một số tấm gương phụ nữ đã đóng góp cho kháng chiến qua “vài mẩu chuyện rất bình thường, mà rất vĩ đại” để đi đến kết luận: “Phải chăng vì danh, vì lợi, vì địa vị mà họ làm như vậy? Không phải. Đó là vì lòng nồng nàn yêu nước. Đó là lòng chí công vô tư mà chúng ta đều phải học theo”.
- Ngày 26-7-1953, Bác gửi điện cho Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh: “Nhân dịp Ngày Thương binh, tôi xin gửi một tháng lương của tôi và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ cụ chuyển cho anh em thương binh với lời chào thân ái của tôi”.
- Ngày 26-7-1964, kết thúc bài báo “Đế quốc Mỹ rúc xuống hầm” đăng trên Báo Nhân Dân viết về những thất bại trên chiến trường Việt Nam của quân đội Mỹ, Bác bình bằng hai câu thơ:
“Lại thêm chứng cớ rõ ràng,
Đồng bào miền Nam càng đánh càng mạnh và càng thắng to”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Mọi người công dân - già trẻ gái trai - đều phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà. Mọi người phải nâng cao tinh thần trách nhiệm cần kiệm xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Hải Dương tại Hội trường Tỉnh ủy, sau là trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Bảo tàng Hải Dương) ngày 31-5-1957. Ảnh tư liệu
Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hải Dương khi Người về thăm và làm việc tại địa phương, ngày 26-7-1962. Đây là thời kỳ miền Bắc đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam chiến đấu anh dũng chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm phân xưởng vẽ hoa, Nhà máy Sứ Hải Dương Bác viết lưu niệm vào chiếc lọ hoa với 5 chữ " Phải cố gắng tiến bộ ”, ngày 26-7-1962. Ảnh tư liệu
Theo Hồ Chí Minh, dưới chế độ mới - chế độ Dân chủ nhân dân, mọi công dân phải có tinh thần làm chủ đất nước, phải khắc phục tư tưởng làm thuê, làm mướn dưới chế độ thuộc địa, nửa phong kiến và phải chống chủ nghĩa cá nhân. Phải không ngừng phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình, đề cao trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập, công tác và thực hành tiết kiệm, thật sự là người chủ xây dựng đất nước.
Ngày nay, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng gay gắt; sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lời dạy trên của Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa thực tiễn to lớn; bởi, chỉ có đề cao tinh thần tự lực, tự cường, làm chủ mới có sự sáng tạo và chỉ có sáng tạo mới tạo ra những giá trị mới đáp ứng cho sự phát triển bền vững và bảo đảm cho thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lời Bác dạy, có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm cho quân đội thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong bất luận mọi điều kiện, hoàn cảnh phải tuyệt đối trung thành và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; ra sức học tập nâng cao trình độ mọi mặt; tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo quản, giữ gìn, khai thác và phát huy tốt nhất sức mạnh của vũ khí, trang bị; thực hành cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thờ ơ, ngại rèn luyện, kém phấn đấu; nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 92 ngày 26-7-1953. Ảnh: qdnd.vn
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 92 ngày 26-7-1953 đã đăng tải bức thư của Hồ Chủ tịch gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh vaf Cựu binh.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1077 ngày 26-7-1962. Ảnh: qdnd.vn
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1077 ngày 26-7-1962 đã đăng tải tin "Hồ Chủ tịch đã ký Lệnh công bố hai Pháp lệnh về Cảnh sát nhân dân Việt Nam”.
Theo NGUYỄN CÚC (Nhân Dân)