Ngày họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến về công tác tư pháp

24/10/2021 - 12:31

 - Sáng 24-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Quang cảnh điểm cầu Đoàn ĐBQH An Giang sáng 24-10

Trong phiên thảo luận trực tuyến, các ý kiến cơ bản thống nhất với báo cáo, dự thảo Nghị quyết được trình bày. Bên cạnh đó, góp ý kiến đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực trong thời gian gần đây (như thiết bị y tế; các gói hỗ trợ an sinh xã hội; xem xét lại tình hình kêu gọi, vận động từ thiện của một số nhóm, cá nhân trong thời gian gần đây.

Đề nghị đánh giá và có biện pháp xử lý đối với trường hợp tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng trong thời gian gần đây; tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền sâu, rộng về giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, nhất là đối với đối tượng thanh, thiếu niên. Tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc giam giữ, thi hành án đối với bị can, bị cáo, người bị kết án tử hình…

Đặc biệt, các ĐBQH bày tỏ ý kiến tán thành việc cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên, để nghị quyết mang tính khả thi, nhiều vấn để đặt ra, liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí, cơ sở vật chất…, cần có đánh giá tổng quát, đầy đủ, lộ trình thực hiện phù hợp, đồng bộ trong cả nước. Một số ý kiến đề xuất thực hiện thí điểm trong giai đoạn cụ thể, sau đó sơ, tổng kết; quy định bổ sung vào các bộ luật liên quan để làm căn cứ thi hành. Phải đề ra quy định: chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp; quy định rõ về sự đồng ý của các bên tham gia tố tụng, sự tham gia của công chúng và truyền thông trong các phiên tòa trực tuyến…

Sau phiên thảo thuận trực tuyến, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, theo dõi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp thu, ghi nhận tất cả ý kiến được nêu; đồng thời giải trình, làm rõ một số vấn đề nổi cộm.

Trong đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tiếp thu, ghi nhận ý kiến thảo luận của các vị ĐBQH. Đồng thời, giải trình thêm một số nội dung về dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến: Tòa án nhân dân tối cao rất thận trọng khi soạn thảo Nghị quyết đến lần thứ 4, trước mắt xin phép Quốc hội thống nhất về mặt chủ trương. Những vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục sẽ được xây dựng từng bước. Nếu được Quốc hội thông qua, các cơ quan chức năng sẽ ban hành thông tư liên ngành (Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) để tạo hạ tầng pháp lý thực hiện.

Tin, ảnh: GIA KHÁNH