Đến thăm cơ sở đúc chậu của anh Nguyễn Thanh Thới (ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh, Tri Tôn) vào những ngày cuối năm, không khí diễn ra tất bật, hối hả của những người làm nghề đúc chậu. Mảnh sân rộng trước nhà của gia đình hiện đã phủ đầy các loại chậu.
Đang “lui cui” hoàn thành phần miệng của chiếc chậu, anh Thới cho biết, nhu cầu sử dụng chậu có quanh năm, nhưng trong những dịp cận Tết và sau Tết, nhu cầu về mặt hàng chậu tăng lên rất nhiều, vì vậy cơ sở anh phải tăng ca mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường.
“Chậu ở đây tôi đúc chủ yếu để chủ bán lại cho mấy nhà vườn trồng mai, cây kiểng trong tỉnh. Ngày thường ít ai mua chậu kiểng, nhưng những ngày cận Tết đến sau Tết thì người mua nhiều hơn hẳn. Một ngày, tôi đúc được 20 cái chậu, nhưng phải 2 ngày mới cho ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Thời điểm gần Tết, số lượng tăng từ 2-3 lần, công việc trở nên vất vả hơn” - anh Thới chia sẻ.
Theo anh Thới, để làm ra 1 chiếc chậu đẹp đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, những công đoạn phải thực hiện nhuần nhuyễn. Theo đó, trước khi đúc chậu, người thợ thường sàng nhuyễn để loại bỏ đá, sỏi lẫn trong cát nếu không sản phẩm làm ra bị mất thẩm mỹ.
Để đúc chậu, đầu tiên, người thợ phải ốp cát thành bầu định hình sẵn kích thước chậu. Sau đó, trộn cát, xi-măng với tỷ lệ nước vừa phải để đổ lên bầu cát đến khi hồ ráo mặt tiếp tục trộn hồ dầu đổ, quay theo hình chậu. Như vậy, cơ bản hoàn thành 1 cái chậu kiểng. Nhưng phải sang ngày hôm sau, chậu mới lấy ra khỏi bầu cát được. Cuối cùng, sẽ cắt miệng, mài cho mịn và sơn màu để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.
“Năm nay, giá nguyên liệu tăng cao nên giá chậu kiểng tăng lên chút đỉnh để gỡ lại vốn. Tùy theo kích thước chậu mà giá bán khác nhau, bình quân từ vài chục ngàn đến khoảng 200.000 đồng/chiếc” - anh Thới thông tin.
Không sản xuất chậu kiểng dạng tròn như gia đình anh Thới, anh Đinh Văn Thiệt (xã Long Điền B, Chợ Mới) tập trung sản xuất các loại chậu bonsai để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Anh Thiệt chia sẻ: “Những năm gần đây, cơ sở của gia đình tập trung vào phân khúc loại chậu bonsai để cung ứng cho các nghệ nhân. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của cơ sở tập trung ở địa bàn Chợ Mới, Châu Phú, TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên…”.
Theo anh Thiệt, chậu kiểng bonsai có nhiều kích cỡ, dao động từ 5 tấc đến 1,2m. Trong đó, loại chậu 6-8 tấc (60-80cm) loại phổ biến vì phù hợp với kích thước của các loại cây kiểng.
Ngoài ra, để thỏa mãn yêu cầu của khách hàng, cơ sở của anh Thiệt luôn tạo ra những chậu kiểng phong phú về kiểu dáng và màu sắc. Bên cạnh loại chậu sơn đỏ truyền thống, cơ sở của anh Thiệt còn sản xuất thành công loại chậu sơn màu giả đá.
Khi chậu được quay xong, trang trí hoa văn hoàn chỉnh, phải đợi đến 5 ngày sau mới bắt đầu làm bóng và sơn màu, chậu giả đá phải chờ thêm việc phối trộn màu sơn. Kỳ công trong khâu làm, nên chậu kiểng do anh Thiệt làm ra đẹp, được thị trường ưa chuộng dù giá thành có cao hơn những chậu kiểng thông thường.
Nghề đúc chậu hoa cảnh không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, nhưng rất cần sự tinh tế và sáng tạo. Hiện nay, các cơ sở chậu kiểng trong tỉnh đang tất bật hoàn thành công việc để đảm bảo lượng hàng cung ứng ra thị trường. Ở những mảnh đất trống, chậu hoa, kiểng được xếp thành hàng dài chờ phơi nắng. Màu xám, đỏ, trắng của chậu hòa cùng màu sắc của những chậu kiểng, chậu hoa đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
ĐÌNH ĐỨC