Nỗi buồn của thế hệ cuối
Nhắc đến hát bội, may mắn là những thế hệ 10x hiện nay vẫn có nhiều người biết, nhờ hát bội còn “đất sống” trong những dịp cúng đình, miếu qua các lễ hội Kỳ Yên, Chạp Miếu hàng năm. Giữ gìn nghề hát bội hơn 70 năm nay, ông Trần Văn In (thị trấn An Châu, Châu Thành) đã phát triển cả gia đình trở thành gánh hát với 12 con, cháu nối nghiệp, trong đó có 8 người diễn chính. Song, đến nay, nghệ thuật này không còn ai đam mê. Diễn viên trẻ nhất có thể diễn chính là con út của ông In nay đã 37 tuổi, còn những người tuổi nhỏ hơn chỉ diễn phụ họa chứ không mặn mòi theo đuổi lâu dài. “Môn nghệ thuật này đòi hỏi phải tập luyện lâu năm mới diễn thành thục. Mà chén cơm từ nghề diễn đem lại chỉ đáp ứng vài bữa ăn nên lớp trẻ không còn ai đam mê. Xu hướng của chúng thích đi làm những việc khác hơn là gìn giữ bộ môn nghệ thuật tự hào của gia đình” - ông In lý giải. Ngay cả các con của ông In và diễn viên tập hợp từ nhiều nơi vào đoàn đều sống dựa vào nghề chạy xe “ôm”, làm thuê, làm nông. Họ chỉ tập hợp lại vài tháng trong năm rồi tan rã đi làm ăn. Ông Trần Văn Hưởng, con trai ông In đã ngoài tuổi 50 vẫn còn “lửa” với nghề rất sâu đậm nhưng cũng bày tỏ nuối tiếc: “Có đứa cháu diễn khá lắm mà nó chọn đi làm công nhân rồi. Đoàn diễn khắp nơi, tiếp xúc đồng nghiệp các tỉnh khác cũng nghe tình cảnh tương tự, đa số chỉ diễn viên già đảm đương gánh hát”.
Nghệ thuật hát bội trình diễn trong dịp cúng đình
Nghệ thuật Dì kê của đồng bào Khmer còn đáng buồn hơn vì hiện nay đã không còn một thế hệ nào sau 8x nối nghề. Nghệ sĩ biểu diễn chính có tuổi đời trẻ nhất là chị Néang Kuth Thia (xã Ô Lâm, Tri Tôn) cũng đã giải nghệ cách đây hơn 1 năm. Chị Thia hiện sống bằng nghề bán tạp hóa, thu nhập phụ thuộc sức mua của học sinh tại một trường tiểu học gần nhà, không còn công tác ở Trung tâm Văn hóa huyện. Nhắc đến diễn Dì kê, môn nghệ thuật được cả gia đình chị Thia theo đuổi bao nhiêu năm nay, trong ánh mắt chị vẫn còn toát lên nhiệt huyết. Nhưng chị cũng đành buông xuôi vì hiện nay không có điều kiện biểu diễn. Vài năm trước, khi nghệ thuật trình diễn Dì kê của đồng bào Khmer đứng trước nguy cơ mai một, báo chí liên tục nhắc đến gia đình chị Thia là nơi cuối cùng gìn giữ loại hình này. Ông Chau Mon Sa Rây và bà Néang Oks (cha và mẹ của chị Thia) là người nối nghiệp từ ông bà rồi dìu dắt cô con gái duy nhất có năng khiếu cùng bước lên sân khấu. Gia đình chị lập đoàn nghệ thuật đại diện cho tỉnh đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố trong các dịp lễ hội, giao lưu văn hóa. Với những đóng góp đó, bà Néang Oks đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Tuy nhiên, do không có điều kiện hoạt động nhiều hơn để có nguồn thu nhập, đoàn chấp nhận tan rã để các thành viên lo chuyện mưu sinh. Riêng chị Kuth Thia đã có kế hoạch sang năm qua Úc định cư cùng chồng.
Cần lắm giải pháp bảo tồn
“Tiếc lắm! Nhưng lực bất tòng tâm. Duy trì được môn nghệ thuật này không phải chỉ có tinh thần, lòng yêu nghề và thực lực trong đoàn là đủ, chúng tôi còn cần Nhà nước tiếp sức nhiều hơn, bài bản hơn” - chị Néang Kuth Thia trải lòng. Theo chị, để duy trì đoàn phải có nhân lực, còn người muốn gắn bó với đoàn lại đòi hỏi về tài chính. Khác với nghệ thuật biểu diễn Dù kê, nghệ thuật Dì kê hiện nay gần như biến mất ở nhiều nơi khác vì điều kiện trình diễn rất hiếm. Ngày trước, khi chưa có “nhạc sống”, đến dịp Tết Chol Chhnam Thmay và Dolta của đồng bào Khmer, gia đình chị đi diễn rất nhiều. Hơn 10 năm hoạt động, những chuyến phục vụ bà con là niềm vui của anh em trong đoàn. Không riêng Dì kê, chị Thia từng đi học đàn Chpay và nhận ra những lớp học truyền đạt cho lớp trẻ sau này cũng không được đến đâu. Trước đây, gia đình chị được đề nghị mở lớp dạy biểu diễn Dì kê, nhưng do thời gian quy định quá ngắn (phụ thuộc kinh phí) nên chị từ chối và khẳng định, học môn này trong 3, 4 tháng cũng không thể tiếp thu được gì.
Chị Néang Kuth Thia hóa thân trong một vai diễn (tư liệu cũ).
Tương tự, ngày trước đoàn hát bội Liên Hữu của ông In ngoài diễn theo hợp đồng của đình còn “diễn góp” phục vụ bà con thưởng thức. Tuy hoạt động tự thân nhưng đoàn hát bội Liên Hữu cũng có “công trận”. Năm 2001, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cử đoàn đi thi tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong 23 tỉnh, đoàn đã đạt giải đặc biệt. Hiện nay, thu nhập cả đoàn kiếm được sau mỗi mùa biểu diễn chỉ đủ chia anh em lấy làm vui, còn tiền mua sắm vật dụng, đồ mới hầu như không có. Gia đình phải tự may trang phục, dành dụm bao nhiêu thì bỏ tiền túi đầu tư cho phục trang, đồ nghề mới hơn, đẹp hơn ngày xưa. Mấy năm gần đây, đoàn hát bội Liên Hữu được sự quan tâm của tỉnh để góp phần giữ gìn, bảo tồn, nhưng các hoạt động “tiếp sức” và trao đổi rất ít. Gần đây nhất, lãnh đạo huyện Châu Thành có ý tưởng cử đoàn sang tỉnh Đồng Tháp diễn giao lưu, nhưng do đặc thù diễn hát bội không thể rút ngắn thời gian theo yêu cầu nên ông còn đắn đo, vì muốn tạo môi trường cho hát bội hoạt động cần phải có một không gian và thời gian riêng biệt, chứ không thể diễn “lấy có” mang tính giới thiệu hình thức, mọi người xem xong không hiểu gì.
Trăn trở về điểm dừng của nghề, về việc tìm kiếm “hậu bối” nối nghiệp là cái khó không chỉ những người đang theo nghề. Ai cũng mong muốn các loại hình nghệ thuật được xem là một phần tinh hoa của cộng đồng dân tộc sẽ còn lưu giữ, thay vì một ngày không xa chỉ còn được nhắc lại là niềm tự hào trên văn bản.
Năm 2018, An Giang có 7 người được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 12 người đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể nắm giữ, gồm: đờn ca tài tử Nam Bộ, trình diễn nghệ thuật Dì kê đồng bào Khmer, nghệ thuật hát bội, khắc kinh Khmer trên lá buông… Trong đó, cả gia đình chị Kuth Thia đều được đề nghị xét tặng ở 2 danh hiệu, ông Trần Văn In và vợ được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. |
MỸ HẠNH