Nghệ thuật khèn của người Mông. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN
Theo đó, nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn nằm ở vùng núi phía Tây của tỉnh Yên Bái, không chỉ chinh phục du khách bởi vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, mà còn lôi cuốn bởi sắc màu văn hóa của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái... Đặc biệt, những giai điệu đặc sắc của tiếng khèn Mông là nét văn hóa truyền thống đặc trưng và là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Mông nơi đây.
Người Mông gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau như trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, đón khách... Tiếng khèn vang vọng, lúc khoáng đạt, lúc nỉ non, dìu dặt. Người Mông sử dụng khèn trong những ngày lễ truyền thống, để đệm cho người hát các bài dân ca, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ, sử dụng trong những ngày vui.
Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình, là cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp.
Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc của dân tộc. Những năm qua, nghệ thuật khèn của người Mông luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm bảo tồn, khôi phục nhằm phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của khèn Mông, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đã khôi phục nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, đưa múa khèn, thổi lá dân tộc vào các giờ học ngoại khóa để học sinh tìm hiểu và hứng thú với những nhạc cụ dân tộc.
Nghệ thuật khèn của người Mông ở Yên Bái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc ở các huyện phía Tây của tỉnh.
Theo Báo Tin Tức