Nghệ thuật từ tăm tre

19/03/2019 - 07:42

 - Tinh xảo và độc đáo là cảm nhận đầu tiên khi xem những tác phẩm nghệ thuật tăm tre của Nguyễn Vũ Linh (sinh năm 1994, ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú). Với niềm đam mê và sáng tạo, Linh đã quyết định thu nhỏ những công trình kiến trúc đồ sộ thành món quà lưu niệm nhỏ, xinh bằng những chiếc tăm tre. Sản phẩm ngày càng được thị trường đón nhận và nhiều người biết đến...

Từ ngôi nhà nhỏ bằng tăm tre

Linh cho biết, năm 2013, Linh tham gia lực lượng dân quân tự vệ xã Vĩnh Thạnh Trung. Tại đây, chàng trai 9x đã may mắn được người anh trong đơn vị hướng dẫn cách làm ngôi nhà bằng tăm tre. Chính nhờ “ngôi nhà” này đã tạo bước đệm cho Linh phát triển các vật dụng bằng tăm tre như hiện nay.

Chỉ học đàn anh từ 1 tác phẩm duy nhất, nhưng với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, từ những chiếc tăm tre gần gũi và thân thuộc trong đời sống hàng ngày, Linh thu nhỏ những kiến trúc độc đáo ngoài đời thực, khéo léo thể hiện qua từng chiếc tăm tre. Theo Linh, việc chế tác các tác phẩm bằng tăm tre tuy khó khăn nhưng nếu chịu khó quan sát, phân tích tỷ lệ sẽ thành công. “Trong quá trình chế tác, khó khăn nhất là công đoạn làm phần sườn. Đây là công đoạn quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm có thể cao từ 45cm đến trên 1m, nếu phần sườn không chắc chắn và cân đối, sản phẩm làm ra sẽ dễ đổ, ngã, xiêu vẹo... làm lại sẽ mất nhiều thời gian”.

Hiện nay, mỗi sản phẩm được Linh làm từ 15-16 ngày (mỗi ngày làm khoảng 15 tiếng). Do dành nhiều thời gian để chăm chút nên các sản phẩm Linh làm ra đều sắc sảo, sinh động và rất chắc chắn. Linh chia sẻ: “Các sản phẩm tuy không giống hoàn toàn so với thực tế nhưng thể hiện toàn bộ những chi tiết ngoài đời thật”.

Hoài bão lớn

Từ những sản phẩm đơn giản lúc đầu, Linh đã cho ra đời hơn 10 sản phẩm, mô hình: các loại nhà, đền thờ Bác Tôn, móc khóa, bảng hiệu quảng cáo… Linh cho biết, đang phát triển thêm các sản phẩm gỗ kết hợp tăm tre, như: lịch gỗ, tranh thư pháp gỗ… Một số sản phẩm Linh làm ra được gắn thêm đèn led, đèn chớp theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, các sản phẩm của Linh còn được phủ thêm 1 lớp PU để chống mốc, giúp sản phẩm bền và đẹp hơn. Trung bình mỗi sản phẩm mất từ 15-16 ngày, tùy theo kích thước và số lượng chi tiết. Tùy kiểu dáng, kích thước, mức chi tiết, giá mỗi sản phẩm dao động từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng. Để đặt hàng, khách có thể gợi ý hình dáng căn nhà hoặc một mẫu vật bất kỳ muốn mô phỏng bằng tăm tre. Kỹ hơn, khách chụp 4 phía mẫu vật để Linh có thể mô phỏng chính xác nhất.

Nguyễn Vũ Linh với hoài bão tạo việc làm cho thanh niên địa phương

Hiện nay, cùng làm việc với Linh có 2 “phụ tá”, cũng là những người có niềm đam mê với thể loại chế tác các mô hình bằng tăm tre. Trong đó 1 người mới học nghề, 1 người đã tham gia được khoảng 4 tháng và được Linh trả công 2 triệu đồng/tháng. “Lúc đầu thị trường chưa được nhiều người biết đến, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nên kinh tế gặp khó khăn. Sự động viên, cổ vũ của gia đình đã tạo động lực cho tôi tiếp tục công việc này. Ngoài ra, tôi còn được Sở Công thương, Tỉnh đoàn hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, dự các hội chợ, hội thảo, như: phiên chợ xanh, hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… nên sản phẩm có điều kiện tiếp cận với thị trường các tỉnh, thành phố ở miền Tây, TP. Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Thái Bình, Lào Cai và tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao...”- Linh cho biết.

Chia sẻ những dự định trong thời gian tới, Linh cho biết: “Tôi sẽ cố gắng nghiên cứu thêm các loại sản phẩm khác để làm phong phú hơn mẫu mã để phục vụ thị trường. Ngoài ra, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm do Sở Công thương cũng như Tỉnh đoàn hỗ trợ để mở rộng thị trường. Khi có đầu ra ổn định, tôi sẽ nhờ địa phương phối hợp để tổ chức đào tạo nghề cho các bạn trẻ. Điều mong muốn của tôi là được giúp các bạn có việc làm, thu nhập tại nơi mình sinh sống mà không phải đi làm ăn xa”.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích