Nghề “xe ôm” xưa và nay

05/01/2024 - 06:14

 - Những năm trở lại đây, mọi người chắc hẳn đều quen thuộc với ứng dụng đặt xe công nghệ, thay thế cho “xe ôm” và taxi trước đây. Dễ nhận thấy, xe công nghệ đã phát triển mạnh mẽ, gần như lấn át xe truyền thống.

Nỗi niềm “xe ôm” truyền thống

Để nghe được tâm sự của những người chạy “xe ôm” truyền thống, tôi đã bắt xe đi từ huyện Châu Thành đến trung tâm TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), quãng đường khoảng 10km. Để tìm được họ, tôi phải đi bộ hơn 1km mới gặp, vì cánh “xe ôm” truyền thống có địa điểm “tập kết” riêng.

Họ thường chọn khu dân cư đông đúc, gần chợ, siêu thị để đón khách. Trường hợp “ế” quá, họ sẽ rảo xe đi vài vòng tìm khách. Giữa thời buổi công nghệ hiện nay, việc tìm khách một cách “bị động” như vậy không còn phù hợp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ế ẩm của bác tài hành nghề “xe ôm” truyền thống.

Tôi lên xe bác tài trạc lục tuần, đôi bàn tay chai sạn vì nghề nghiệp, ánh mắt khắc khổ. Ông cho biết, tôi là người “mở hàng”, dù khi ấy đã gần 10 giờ sáng. “Từ Châu Thành đi Long Xuyên, tôi lấy 25.000 đồng. Tôi làm nghề này mấy mươi năm. Lúc trước, nghề chạy “xe ôm” có ăn lắm. Thời đó, người sở hữu xe gắn máy chưa nhiều, xe buýt hay taxi cũng chưa thịnh hành. Còn giờ, ngoài xe buýt, taxi, chúng tôi phải chịu cảnh cạnh tranh với “xe ôm công nghệ”. Một ngày, tôi bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng, hơn 7 giờ tối mới về nhà. Nhưng số tiền kiếm được chẳng bao nhiêu” - Những lo lắng về cơm, áo, gạo, tiền hằn rõ trên gương mặt người đàn ông nhiều năm bươn chải kiếm tiền.

“Xe ôm công nghệ” ngày càng được ưa chuộng

Không khó để bắt gặp hình ảnh những người chạy “xe ôm” truyền thống đang uể oải nằm nghỉ trên chiếc xe của mình hoặc đọc báo “giết” thời gian, rồi thẫn thờ thất vọng, vì thấy khách không chọn xe mình. Cùng nỗi niềm ấy, ông Tư Tâm (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) than ngắn thở dài vì ế ẩm.

Rời nhà từ sáng sớm, ông đậu xe ở đầu chợ An Châu đón khách, chủ yếu là khách “mối” lâu năm. Nhưng giờ, lượng khách quen ấy thưa thớt dần. Mỗi ngày, ông chạy chưa quá 5 lượt khách. “Tôi đang nghĩ kiếm nghề khác làm thêm, chứ “bám trụ” với nghề này càng lúc càng khó khăn. Khách ít, mà lấy tiền giá cao quá thì mất khách” - ông Tư Tâm cười buồn.

Thích ứng với công nghệ

Student’s Driver (Gọi xe sinh viên) là mô hình khởi nghiệp của bạn Võ Quang Vinh (sinh năm 2000, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên). Mô hình nhằm tạo việc làm cho sinh viên, lao động tự do có thu nhập ổn định từ việc đưa đón khách, giá phải chăng. Đặc biệt, Student’s Driver nhận chở khách, chạy xe máy của khách về nhà khi khách đã có hơi men, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho khách.

Những tài xế “xe ôm” truyền thống thì 10 người khách, họ chỉ tin được khoảng 3 người, nhưng phải vất vả lắm mới tìm được. Với “xe ôm công nghệ”, hoàn toàn trái ngược, vì khách hàng sẽ chủ động tìm đến tài xế.

“Thông qua số điện thoại tổng đài, khách hàng liên hệ, tôi điều tiết tài xế đón khách đúng địa điểm. Cụ thể, thông qua Zalo nhóm, tôi cung cấp số điện thoại của khách. Tài xế nào đang trống lịch sẽ tiếp nhận, liên hệ với khách hàng. Giờ hoạt động của chúng tôi từ 8 giờ sáng hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau. Cao điểm vẫn là buổi chiều và tối” - Quang Vinh chia sẻ.

“Xe ôm công nghệ” còn nhận giao hàng hóa, thức ăn

Khi còn ngồi trên ghế giảng đường Trường Đại học An Giang, cậu sinh viên đã thành lập mô hình “Gọi xe sinh viên”. Từ những cọ xát buổi đầu, cùng vốn kinh nghiệm ngày tháng vất vả vì ít thành viên tham gia, sau khi ra trường, Quang Vinh kiên nhẫn duy trì, phát triển mô hình. Hiện, đội ngũ “xe ôm” của Quang Vinh có hơn 50 tài xế, trong đó, sinh viên chiếm tỷ lệ khoảng 50%. Giá từ 14.000 đồng/cuốc xe được xem là phù hợp.

“Mỗi lượt tài xế chạy sẽ báo cáo số tiền cho tôi nắm. Cuối tháng, họ chỉ cần trích 13% thu nhập từ việc chạy xe của mình gửi cho tôi. Trung bình, 3 - 4,5 triệu đồng là số tiền tài xế “Gọi xe sinh viên” kiếm được. Để kiếm thêm thu nhập, nhiều tài xế còn tranh thủ nhận khách từ các ứng dụng khác trên mạng xã hội” - Quang Vinh chia sẻ thêm.

Ưu điểm giá rẻ, tiện dụng, thái độ thân thiện, loại hình xe ôm công nghệ thật sự chiếm ưu thế, được nhiều người lựa chọn. “Những lần tiếp khách có chút rượu bia, tôi chọn đặt “xe ôm công nghệ” đi về. Nếu cần 2 tài xế, mình chỉ việc nói với người trực tổng đài, họ sẽ điều tiết trong vòng 5 - 10 phút. Một người chở tôi, một người chạy xe của tôi về đến nhà (gần 10km), chỉ tốn hơn 100.000 đồng. Theo tôi, mức giá đó khá hợp lý” - anh Hữu Phú (ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) bộc bạch.

Giữa thời đại 4.0, nhiều nghề đã dần thay đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Nghề “xe ôm” cũng không nằm ngoài quy luật đào thải đó.  

PHƯƠNG LAN