Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hè về, trẻ có nhiều thời gian nhàn rỗi nên rất dễ sa đà và “nghiện” game online. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe vì thức quá khuya hoặc do “dán mắt” nhiều giờ vào máy tính, điện thoại… Ngoài ra, còn dễ dẫn đến hành vi mất kiểm soát, thiếu kiềm chế bản thân, nguy cơ rối loạn hành vi, trầm cảm. Đáng quan ngại hơn, nếu trẻ “nghiện” game khi nhập vai quá mức có thể dẫn đến chứng ảo tưởng, đa nhân cách, sống ảo theo nhân vật trong game. Không chỉ vậy, việc để trẻ tiếp xúc lâu ngày với các game độc hại còn có thể khiến trẻ có những hành vi lệch chuẩn, dẫn đến những hành vi phạm pháp.
Tự nhận mình “nghiện” game online, M.L (học sinh ở TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Ban đầu là do vào dịp nghỉ hè, ba mẹ đi làm, em ở nhà một mình buồn quá nên hay sử dụng điện thoại để xem các chương trình giải trí và bị cuốn vào các trò chơi game online lúc nào không hay. Lúc đầu, em chơi game online 2 tiếng mỗi ngày, sau đó ghiền luôn. Nói chung, các trò game online rất lôi cuốn nên em rất mê”.
Là một trong những phụ huynh có con nhỏ “nghiện” game online, anh C.H (huyện Châu Phú) cho biết: “Thời điểm trong năm học, con đi học mỗi ngày 2 buổi, vợ chồng chỉ cần thay nhau đưa rước. Nhưng hè về, con nghỉ học ở nhà cả ngày, vợ chồng đi buôn bán nên không có điều kiện ở nhà với con nên gửi bà ngoại. Dù chỉ mới nghỉ hè được 1 tháng mà vợ chồng tôi thấy con bị phụ thuộc vào máy tính, về tới nhà là “ôm” máy tính chơi game online suốt, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh”.
MXH trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Các nền tảng Facebook, Instagram, TikTok... được sử dụng rộng rãi để giao tiếp, chia sẻ thông tin, giải trí. MXH cung cấp một lượng lớn nội dung, đa dạng từ hình ảnh, video đến các bài viết và thông tin thú vị.
Các nền tảng cho phép người dùng dễ dàng kết nối với bạn bè, gia đình và người khác trên thế giới. Sử dụng MXH trở thành một thói quen phụ thuộc, khiến người dùng cảm thấy khó lòng dừng lại dù có nhận thức được tác động tiêu cực của nó. Sống trong thế giới ảo quá lâu khiến các em tự thu mình lại, sống khép kín, ngại giao tiếp với cuộc sống và mọi người xung quanh. Không chỉ kết quả học tập xuống dốc trầm trọng, “nghiện” MXH còn gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn là dễ mắc bệnh trầm cảm, sức khỏe giảm sút và có nguy cơ mắc bệnh tâm thần.
Chỉ chưa đầy 1 tháng nghỉ hè, em L. (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) gặp vấn đề về mắt do dành quá nhiều thời gian sử dụng MXH trên thiết bị di động. Thùy Linh chia sẻ: “Em rất thích xem các nội dung trên Facebook và TikTok vì nó rất hấp dẫn. Nhiều chương trình giải trí hay tin tức “hot” trong ngày đều được cập nhật trên MXH, chỉ cần lướt điện thoại là có thể nắm được. Thời gian dài sử dụng khiến mắt em thường bị khô và mỏi, dần bị mờ và không thể nhìn xa như trước”.
Còn chị T.L (TP. Long Xuyên) đang đau đầu vì tình trạng “nghiện” MXH của cô con gái 11 tuổi. “Con gái tôi hay mượn điện thoại của ba chơi điện tử, lúc khác thì mở mạng vào Facebook. Vào dịp nghỉ hè rảnh rỗi, cháu có tần suất sử dụng điện thoại cập nhật MXH thường xuyên hơn. Đi học thêm về nhà là con dán mắt vào điện thoại. Có khi vừa ăn cơm, vừa lướt TikTok, Facebook... Có lần, tôi còn giật mình khi phát hiện con tham gia một nhóm trò chuyện trên Facebook với toàn người lạ. Tôi la mắng hoài, khi có vợ chồng tôi ở nhà thì con không đụng đến điện thoại, đến lúc người lớn đi làm hết, con ở nhà một mình thì làm sao quản lý được” - chị T.L buồn bã.
Để tránh nguy cơ “nghiện” game online và MXH ở trẻ em vào dịp hè, mỗi gia đình nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất, tinh thần. Vì cho con tham gia các trò chơi bổ ích, giao lưu trong môi trường lành mạnh sẽ giúp các em có lối sống tích cực; hình thành được cách giao tiếp xã hội tốt, tránh việc đắm mình trong thế giới ảo.
Chị Trần Thị Như Ý (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Hè này tôi đưa con trai về quê ở với ông, bà nội. Một phần, con trai rất quấn quýt ông, bà nội nên không phải lo nghĩ. Phần khác, ở nhà ông, bà nội làm nông, nên con trai cũng giúp đỡ những việc nhỏ. Qua đó, giúp cháu hiểu giá trị lao động. Mặt khác, giúp cháu tránh xa các trò chơi game online, kết bạn phức tạp trên MXH. Đến giữa tháng 7, tôi sẽ rước con trai về để tham gia các lớp học thêm nhằm củng cố kiến thức, chuẩn bị năm học mới”.
Thế nên, dù bận rộn cách mấy, lo mưu sinh đến đâu, phụ huynh cũng nên dành thời gian quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia cùng con, nhất là khi hè về. Con trẻ được yêu thương, quan tâm từ người lớn đúng cách sẽ tránh được nguy cơ “nghiện” game online và MXH. Qua đó, tạo một môi trường sống, học tập và vui chơi lành mạnh để trẻ phát triển toàn diện.
TRỌNG TÍN