1. Ngày tôi còn rất bé, gia đình tôi ở trong một căn nhà tập thể của cơ quan mẹ tôi nằm vùng ven thành phố. Nơi mà những ngày trời mưa, mẹ tôi đem tấm bạt áo mưa buộc giăng trên tấm mùng để nước mưa không rơi ướt người.
Tôi không nhớ lắm về những cực khổ ngày đó dù sau này nghe mọi người kể lại. Tôi chỉ nhớ cảm giác vui vẻ của trẻ con khi nước dâng vào nhà, nước trên đường và mọi người có thể... bơi.
Thời gian này, tôi cũng được mẹ tôi gửi về nhà ông ngoại. Thế nên căn nhà tập thể ấy với tôi không có nhiều kỉ niệm. Khi tôi chuẩn bị học lớp một, thì gia đình tôi chuyển vào khu vực trung tâm của thành phố nhỏ, nơi chẳng bao giờ thấy nước lũ tràn vào nhà.
Căn nhà ở khu trung tâm đó tôi đã ở từ khi 6 tuổi và rời xa khi 18 tuổi, vậy mà chỉ khoảng 5 năm, tôi có cảm giác đó là nhà mình. Căn nhà có bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ mà tôi còn có thể lưu giữ trong ký ức. Khi tôi 11 tuổi, bố tôi về nước (từ khi tôi 6 tháng tuổi cho tới khi đó, tôi mới gặp mặt bố tôi lần đầu tiên, vì ông đi xuất khẩu lao động rồi ở lại Đức).
Giữa bố con tôi có nhiều xung đột và ông thường lấn át tất cả bằng sự đánh đập và la lối lớn tiếng: “Biến ra khỏi nhà tao!”
Tôi nhớ những ngày tôi đạp xe loanh quanh trên những con đường thành phố ngoài giờ học, không muốn trở về nhà. Tôi không còn cảm giác đó là một điều gì đó thuộc về mình nữa. Nhưng mình lại chưa đủ khả năng để có thể “biến” thật ra khỏi nơi đó.
Từ lớp 9, tôi lọt vào đội tuyển môn Sinh của tỉnh và bắt đầu có những tình bạn với các bạn từ những huyện khác về thành phố học. Những người bạn này phải ở nhà trọ vì nhà họ quá xa trường. Thi thoảng, tôi ghé chơi phòng trọ của bạn và tôi ước mình cũng có một cái phòng trọ như vậy để không phải về nhà.
Nhưng tôi không đủ tiền chi trả cho việc thuê một căn phòng nên vẫn ngày ngày đi học, đạp xe loanh quanh những con đường, cuối ngày trở về nhà và thi thoảng nghe mình bị đuổi biến ra khỏi nhà.
2. Cuối năm tôi học lớp 9, cho đến khi tôi học xong lớp 12, cậu họ tôi mất. Nhà ít người, sợ ông bà trẻ buồn và tôi cần một nơi yên tĩnh để học, nên tôi được phép lên ở nhà ông bà. Ngôi nhà của bố, không phải ngôi nhà của tôi, là nơi tôi chỉ tạt qua rồi đi mỗi ngày vì phần lớn thời gian đã ở trường học và nhà ông bà.
Ảnh minh họa
Ngôi nhà ông bà cho tôi sự bình lặng hiện lên như trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn:
“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cà
Nơi có những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái
Ở đó có những lũ sên bò quanh
Những vết nứt rêu tường xanh
Có giếng nước soi trời trong
Ở đó có lá cuốn dây ngoài song
Có gió mát đêm bình yên”...
Nhưng rồi tôi cũng xa tất cả những nơi đó, những nơi tôi đã không nghĩ về một điều gì là của riêng mình, để đến một thành phố khác học rồi sinh sống. Tôi dần quen với sự đông đúc, chật chội với một chỗ ở rất nhỏ giữa Sài Gòn.
3. Tôi không có cảm giác nhớ một căn nhà cụ thể giữa một khu phố xô bồ như ngôi nhà của bố tôi. Nơi mà cách đây 10 năm, ông có thể nói đó là sở hữu của ông, là nhà ông, thì giờ ông không thể thốt lên câu ấy vì về mặt luật pháp, ông chỉ là người đồng sở hữu căn nhà.
Thi thoảng, tôi nhớ mình đã từng có tạm một căn phòng nhỏ tĩnh yên ở nhà ông bà mà tôi đã ở 3 năm học cấp 3. Ở đó, tôi rất nhớ những kỉ niệm đã qua với mẹ. Tôi nhớ ánh mắt mẹ cho chuyến đi xa lần đầu tiên của tôi trong cuộc đời tôi rời khỏi mẹ, xa căn nhà và thành phố nhỏ khi tôi 18 tuổi. Và nhớ ánh mắt mẹ tôi cho chuyến đi xa cuối cùng của mẹ trong cuộc đời tôi khi tôi 28 tuổi.
Một lần gần đây, tôi đến thăm nhà một người bạn, đó là một biệt thự đẹp, yên tĩnh, nhìn ra bốn bề cây lá. Tôi nói tôi mong muốn sau này mình sẽ có một nơi dễ chịu như thế. Nhưng tôi không nghĩ rằng tôi sẽ đến với bạn để có những điều mình mong muốn ấy.
Với những chuyện đã qua của riêng mình, tôi đã hiểu rằng giữ mình ở lại là lòng người, chứ không phải căn nhà. Tôi cũng đã thấy những bạn bè chấp nhận ra đi, bỏ lại ngôi nhà do chính sức lao động của họ làm ra để có được sự tự do bởi những ngày sống dưới ngôi nhà đó họ không hạnh phúc.
Và có lẽ, lại càng đơn giản hơn nhiều cho những trường hợp rời khỏi ngôi nhà không do chính mình tạo nên. Bởi vậy, nghĩ đến một nơi để ở lại, là nghĩ về lòng người, bền lâu hay không bền lâu là vì điều đó.
Theo TUỆ AN (Phunuvietnam.vn)