Chen chúc, mệt mỏi!
Với cảm giác tỏ ra mệt mỏi trong thời tiết oi bức và ngột ngạt do đông người chen chúc tại VinaPhone An Giang (số 2, đường Lê Lợi, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, An Giang), anh Hiệp (ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) ngán ngẫm: “Chờ gần 2 tiếng mà chưa tới lượt đăng ký cập nhật thông tin. Biết là giờ hành chính nhưng phải tranh thủ chạy ra đây. Nếu từ giờ tới tối không làm kịp thì chắc nghỉ xài điện thoại luôn”. Anh Hiệp cũng như hàng trăm người đang tỏ ra mệt mỏi trong khi chờ làm thủ tục cập nhật thông tin chính chủ và chụp ảnh chân dungcho thuê bao di động của mình.
Gần 1 tuần nay, ở tất cả các nhà mạng, nhiều nhất là Vinaphone, Mobifone, Viettel chi nhánh An Giang đều có rất đông người đến đăng ký cập nhật thông tin cá nhân. Giám đốc Vinaphone chi nhánh An GiangTrần Hòa Ý cho biết: thuê bao Vinaphone trên địa bàn tỉnh An Giang có trên 500.000 thuê bao, trong đó thuê bao cần phải cập nhật lại thông tin theo Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính phủ khoảng trên 260.000. Đến thời điểm hiện tại, đã cập nhật được trên 105.000 thuê bao.
Để đảm bảo hoàn thành tiến độ cập nhật, Vinaphone An Giang thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ khách hàng (KH) như: mở 50 điểm giao dịch cố định và lưu động tại các địa bàn để KH dễ dàng cập nhật thông tin. Tất cả những nơi này sẽ được nhà VinaPhone nhắn tin cho KH biết địa chỉ cụ thể để thuận tiện liên hệ cập nhật thông tin, và phục vụ suốt từ 7 giờ sáng đến 21 giờ đêm, thậm chí 22 giờ, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Ngoài ra, KH có thể tự đăng ký tại nhà qua website: http://my.vinaphone.com.vn.
Đối với Viettel An Giang và Mobifone An Giang, từ 1 tuần nay, người dân đến làm thủ tục cập nhật thông tin cá nhân và ảnh chân dung cho thuê bao di động tại các cửa hàng, đại lý Viettel trên địa bàn tỉnh tăng gấp nhiều lần so trước đó.
Tại trụ sở Viettel An Giang (đường Nguyễn Thái Học, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người đến làm thủ tục cập nhật thông tin. Để hỗ trợ KH hoàn thiện thông tin thuê bao, Viettel An Giang tăng cường thêm nhân viên, tăng giờ phục vụ và tổ chức các điểm lưu động về tận huyện, xã, các khu đông dân cư để phục vụ KH. Đồng thời, cử nhân viên đến tận nhà để bổ sung ảnh chụp và hoàn thiện thông tin đối với những KH lớn tuổi…
Không chỉ KH, những nhân viên nhà mạng cũng tỏ ra mệt mỏi không kém, do phải phục vụ nhu cầu cập nhật thông tin tăng đột biến gấp nhiều lần so ngày thường. Các nhà mạng đã huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên làm việc “hết công suất” để đảm bảo việc cập nhật của KH được nhanh chóng.
Theo các nhà mạng, việc cập nhật thông tin đã được triển khai khoảng 1 tháng nay, nhưng KH không quan tâm. Khi gần đến hạn chót cập nhật (ngày 24-4) thì nhiều người mới đổ xô đi đăng ký, khiến cho tình trạng quá tải và vất vả cho cả 2 phía.
Bảo đảm quyền lợi KH
Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, việc cung cấp thông tin cá nhân nhằm đảm bảo quyền lợi của KH cũng như ngăn chặn tình trạng sim rác đang tràn lan trên thị trường. Theo đó, tất cả các thuê bao di động đều bắt buộc phải có đầy đủ thông tin chính xác, bao gồm họ và tên, ảnh chân dung, số CMND, ngày cấp và nơi cấp. Nghị định cũng ra “tối hậu thư”: sau ngày 24-4, KH không cập nhật thông tin và hình ảnh sẽ bị khóa thuê bao 1 chiều sau 15 ngày nhận được thông báo chính thức của “nhà mạng”.
Nhiều KH cho rằng, việc cập nhật thông tin là cần thiết, nhưng quy định thời gian quá gấp sẽ gây khó khăn, phiền phức cho cả KH và nhà mạng. Nhất là trong tình trạng lộ lọt thông tin như hiện nay thì nhiều KH cũng rất quan ngại về việc bảo mật thông tin của bản thân mình, khi tất cả thông tin cá nhân đều phải cập nhật vào hệ thống của nhà mạng.
Ông Trần Dũng (ngụ phường Đông Xuyên. TP. Long Xuyên) bức xúc: “Khi mua sim số thì mình đã xuất trình CMND cho họ chụp rồi. Có CMND rồi giờ còn bắt chụp ảnh. Thế này mà bảo là cải cách thủ tục hành chính gì, chỉ phiền phức thêm!”.
Nhiều người cũng cho rằng: “Nói thẳng ra là quy định chồng chéo, rườm rà. Đã photo CMND, trong CMND cũng có hình ảnh, đặc điểm nhận dạng, dấu vân tay… Vậy mà còn “lôi” KH ra đây để cập nhật thông tin thì thật phiền phức. Đó là chưa nói đến chuyện lộ thông tin KH thì ai chịu trách nhiệm. “Nhà mạng” quá coi thường chúng tôi!”.
Việc “nhà mạng” thu thập thông tin để bảo vệ KH theo quy định là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều KH quan tâm nhất là các “nhà mạng” cần gia tăng tính bảo mật của KH. Bởi, các vấn nạn lừa đảo, spam quảng cáo, quấy rối qua điện thoại di động… vẫn xảy ra liên tục trong thời gian qua gây rất nhiều phiền phức cho người sử dụng dịch vụ nhưng “nhà mạng” vẫn tỏ ra lúng túng, thậm chí không can thiệp được. Thế nên, “nhà mạng” cần thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sử dụng dịch vụ.
Để biết sim đã được đăng ký thông tin chính chủ hay chưa, KH chỉ cần soạn TTTB gửi 1414. Hệ thống sẽ gửi SMS thông báo chi tiết tên đăng ký, số CMND, ngày cấp và nơi cấp… Nếu muốn kiểm tra số lượng thuê bao đã đăng ký theo số CMND, hãy soạn tin CMT gửi 195. (Ví dụ: CMT 012345xxx gửi 195). Lúc này, nhà mạng sẽ gửi về danh sách các số điện thoại đã đăng ký bằng số CMND trên. |
HỮU HUYNH