Chuẩn bị ngư cụ
Những ngày qua, lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường tháng 7 (âm lịch) và tác động của bão số 4 làm cho mực nước nội đồng các xã đầu nguồn ở huyện An Phú như: Phú Hữu, Phú Hội, Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông lên nhanh. Sau thời gian dài “đói” lũ (kể từ năm 2011), người dân đầu nguồn có dịp tất bật sắm sửa câu lưới để chuẩn bị khai thác sản vật từ lũ mang về.
Từ giữa tháng 6, anh Tô Văn Hưng (ngụ xã Nhơn Hội) đã mua 4.000m lưới để chuẩn bị làm ăn mùa lũ năm nay. Hơn 1 tháng nay, ngày nào vợ, chồng anh cũng thả lưới trên cánh đồng ngoài đê bao ở xã Nhơn Hội, Phú Hội. “Nước lũ năm nay lên nhanh, sâu hơn mọi năm nhưng cá chưa nhiều. Mỗi ngày, giăng lưới bán khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Hy vọng những ngày tới sẽ có nhiều cá hơn để có thêm thu nhập”.
Ở xã Vĩnh Hội Đông, xóm làm lọp cua đồng cũng tất bật chuẩn bị phương tiện làm ăn mùa nước nổi từ hơn 2 tháng trước. Theo nhiều người dân, cua đồng mỗi năm ít đi nên dân đặt cua phần đông đã chuyển nghề khác hoặc đi các tỉnh làm thuê kiếm sống.
Trở lại cồn Cóc (xã Phước Hưng), nơi nổi tiếng với nghề đan lọp cá linh ở An Phú. Mỗi mùa lũ về, xóm làm lọp cá linh (khoảng 50 hộ dân với hơn 200 nhân công) làm hàng ngàn chiếc lọp bán, khách hàng chủ yếu là người Campuchia đặt số lượng lớn. Mỗi chiếc lọp cá linh làm rất công phu và qua nhiều công đoạn, giá bán từ 55.000- 60.000 đồng/cái.
“Năm nay nước lũ lên nhanh, tình hình tôm cá có khả năng nhiều hơn mọi năm. Vì vậy mà số lượng bạn hàng đặt mua nhiều hơn, tăng khoảng 50% nên phải tranh thủ làm ban đêm mới kịp giao hàng” - một người dân chia sẻ.
Đã 7 năm nay, làng nghề làm lưỡi câu (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) mới có dịp sôi động trở lại. Ông Be là một trong những người có thâm niên nghề lâu nhất ở đây, đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy móc để làm các công đoạn như: dập, mài, uốn lưỡi câu…
Năm nay, nước lũ lên nhanh và cao hơn mọi năm nên số lượng khách hàng tăng khoảng 30%. Lưỡi câu của làng nghề Mỹ Hòa nổi tiếng về chất lượng, giá cả hợp lý nên được bạn hàng khắp các tỉnh ĐBSCL và Campuchia đặt mua số lượng lớn.
Lấy thịt ốc bán cho thương lái
Canh chừng con nước
Mặc dù lũ về mang niềm vui cho ngư dân với nhiều mô hình sinh kế, nhưng còn đó không ít lo toan nên phải hết sức cảnh giác. Nhất là thời tiết luôn diễn biến phức tạp, mưa, bão, giông lốc, lũ bất thường… trong khi ở vùng nông thôn vẫn còn hàng chục ngàn ngôi nhà được cất thô sơ (nhà sàn, vách mái tole, cất ven sông rạch…) nên nguy cơ dễ bị thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
Một trong những vấn đề lo ngại nhất trong mùa mưa lũ năm nay là tình hình sạt lở (SL) ảnh hưởng đời sống của hàng chục ngàn hộ dân. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ SL, tăng 12 vụ so cùng kỳ, trong đó có 12 điểm sụp lún, 20 điểm SL bờ sông.
Đặc biệt là có 16/32 vụ SL không nằm trong danh sách cảnh báo do nằm trên các tuyến đê, bờ kênh/rạch nhỏ… Kết quả quan trắc đợt II-2017 cảnh báo cho năm 2018: toàn tỉnh có 51 đoạn sông với tổng chiều dài trên 162km có nguy cơ SL, trong đó có 6 đoạn cảnh báo đặc biệt nguy hiểm, 31 đoạn nguy hiểm…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, diễn biến mưa lũ và tình hình thủy văn trong những ngày tới có nhiều biến động. Mực nước cao nhất ngày 15-8 trên sông Tiền tại Tân Châu 3,76m (trên báo động (BĐ) 1 là 0,26m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,27m (trên BĐ1 là 0,27m); các trạm ở hạ lưu sông Cửu Long dao động trên mức BĐ2. Dự báo trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên; đến ngày 19-8, mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 3,8m (dưới BĐ2 là 0,2m), tại Châu Đốc ở mức 3,25m (trên BĐ1 là 0,25m)…
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương lưu ý, mực nước lũ đang lên sẽ có nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao… Chính vì vậy, các địa phương đầu nguồn tích cực tuyên truyền người dân và chủ động các phương án phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”; khẩn trương gia cố, hoàn thiện đê bao ngăn lũ bảo vệ an toàn sản xuất vụ thu đông.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH