Gắn bó với công việc bốc vác hơn 20 năm, anh Minh Chiến (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) những ngày qua phải làm việc hết công suất để kiếm thêm thu nhập. Đối với nhiều người, công việc này vất vả, nặng nhọc, nhưng đối với anh đó là công việc “kiếm cơm” lo cho cuộc sống hàng ngày.
“Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, không có điều kiện ăn học nên phải mưu sinh từ rất sớm, “bán sức lao động” để có thu nhập lo cho gia đình. Những ngày cận Tết, tôi cùng một số người bạn trong đội bốc vác chạy đi khắp nơi xem ai có cần phụ khiên đồ, dọn dẹp nhà cửa, chở hàng hóa… Chỗ nào cần người phụ là anh em gọi nhau, cùng đi làm để chia sẻ “miếng cơm”.
Những ngày gần Tết, công việc nhiều, thu nhập có phần khá hơn một chút, trung bình khoảng 200.000 đồng/ngày. Nhiều hôm, tôi làm tới 8 giờ tối mới xong việc, tuy mệt nhưng kiếm thêm chút đỉnh để gia đình có được cái Tết đầm ấm” - anh Chiến chia sẻ.
Vừa trèo từ trên cao xuống, ngồi thở hổn hển, uống vội ngụm nước, anh Âu Minh Thành (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, làm nghề thợ sơn nước (thợ bê) hơn 4 năm nay. Mỗi ngày, anh phải leo trèo trên những tòa nhà cao tầng nhiều giờ để thực hiện công việc của mình.
“Lúc nhỏ, học đến lớp 10 đã nghỉ. Sau đó, tôi học nghề sửa xe nhưng không có đam mê nên học được một thời gian cũng bỏ. Được người anh làm bên thầu xây dựng giới thiệu công việc thợ bê, tôi làm đến bây giờ” - anh Thành bộc bạch.
Anh thông tin thêm: “Công việc này thường “hot” vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu sơn, sửa nhà cửa người dân tăng cao, có năm tôi làm đến 28 - 29 Tết mới xong việc. Mỗi ngày tôi thu nhập được 350.000 đồng. Công việc này làm nhiều từ tháng 4 đến cuối năm, còn những tháng đầu năm ít ai kêu sơn nhà cửa nên gần như thất nghiệp. Công việc này tổn hại sức khỏe lắm, vừa phải trèo cao, vừa phải hít bụi nên muốn làm được phải có sức khỏe tốt. Tuy vất vả, nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ đến bây giờ, bởi kiếm việc làm thời buổi này không dễ”.
Đối với NLĐ, cận Tết là thời điểm “vàng” để họ làm việc hết công suất, mong có được cái Tết ấm no. Ghe vừa cập bến, bà Nguyễn Thị Hường (xã Hòa An, huyện Chợ Mới) vận chuyển hoa lên bờ, sắp xếp các loại hoa ngay ngắn trên phần lô của mình vừa mướn để bán hoa trong dịp Tết. Dù đã bước sang tuổi 66, nhưng bà vẫn hăng say lao động để phụ tiếp con cái có đồng ra, đồng vào.
“Năm nay, tôi bán các loại hoa hồng, cát tường, trâm ổi… Đến độ 25 tháng Chạp, tôi mới chở hoa cúc và vạn thọ qua đây. Gia đình sống bằng nghề trồng hoa nên chẳng khá giả gì, hy vọng năm nay buôn bán thuận lợi để có thu nhập trang trải cho gia đình” - bà Hường tâm sự.
Vừa chạy xong một “cuốc xe”, ông Nguyễn Văn Chắc (phường Mỹ Hòa) tìm bóng mát của cây xanh ở bên đường ngồi nghỉ mệt. Lấy chiếc khăn trong túi áo, ông lao vội những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ. Đã hơn 70 tuổi, nhưng mỗi ngày ông phải rong ruổi trên chiếc xe lôi đã cũ tìm kế sinh nhai.
Ông Chắc kể: “Tôi làm công việc này từ lúc còn trẻ đến bây giờ, không có trình độ nên phải đi làm thuê. Thời còn trẻ thì còn sức chở được nhiều hàng hóa, thu nhập tạm ổn, bây giờ tuổi già sức yếu, chở không được nhiều. Người ta thấy tôi lớn tuổi nên họ cũng ít kêu”.
Ông Chắc nói tiếp: “Bây giờ người ta chở hàng bằng xe gắn máy, xe thớt cho nhanh chứ ít ai chở bằng xe lôi như tôi. Không bao lâu là tới Tết, tôi cố gắng kiếm thêm vài cuốc xe đến tối để có thêm thu nhập. Tôi đậu xe gần khu vực chợ hoa Xuân để kiếm mối chở hoa, cây kiểng, hàng hóa, mong có chút tiền lo cho gia đình”.
Những ngày này, phố xá trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn hẳn, ai nấy cũng đều hăng say lao động. Cận Tết, dù công việc có nhiều hơn, mệt nhọc, vất vả hơn nhưng nhiều NLĐ thấy phấn khởi khi có cơ hội kiếm thêm thu nhập, cùng gia đình đón cái Tết ấm no, sung túc.
HÀ PHÚC