Người “nối nhịp bờ vui”

27/11/2019 - 07:34

 - Người dân xã An Thạnh Trung (Chợ Mới) từ lâu đã quá quen thuộc với người đàn ông với mái tóc bạc trắng, miệt mài dưới nắng mưa để chỉ đạo, giám sát việc xây dựng những chiếc cầu. Ông là Lê Quang Trưởng (sinh năm 1953), người được người dân địa phương gọi với cái tên thân mật là chú Bảy Trưởng.

Người “nối nhịp bờ vui”

Chú Bảy Trưởng tích cực tham gia xây dựng giao thông nông thôn tại xã An Thạnh Trung

Vì cộng đồng

Dẫn chúng tôi đi tham quan công trình thi công miếu Thần Nông (xã An Thạnh Trung), chú Bảy Trưởng cho biết, công trình này được xây dựng trên 100 năm, nay đã bị xuống cấp. Bản thân chú là Trưởng ban Tế tự của miếu nên phải trông coi, quán xuyến mọi thứ, từ thiết kế, thi công cho đến vận động bà con đóng góp kinh phí xây dựng. Cách đó không xa, cầu chùa Vạn Đức đang được khởi công xây dựng mới để thay thế cầu ván cũ đã xuống cấp. Cầu chùa Vạn Đức mới có chiều dài 31m, rộng 3,6m, kinh phí xây dựng khoảng 500 triệu đồng, được chú Bảy Trưởng vận động từ chùa Vạn Đức cùng các nhà hảo tâm.

Năm 2019, chú Bảy Trưởng đã đứng ra vận động, xây dựng  2 cây cầu treo bắc ngang kênh An Bình và kênh An Tịnh, với tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng; cất 1 cầu bê-tông trên rạch Trùm Hóa, kinh phí 504 triệu đồng cùng hơn 700 ngày công lao động. Trước đó, địa phương có chủ trương xây dựng nghĩa địa nhân dân để giúp đỡ người nghèo có được nơi an nghỉ, thấy đây là việc làm có ý nghĩa, chú đứng ra vận động người dân quyên góp với số tiền trên 500 triệu đồng, trong đó chi phí mua đất trên 320 triệu đồng để xây dựng…

Hơn 50 năm làm công tác từ thiện-
xã hội, chú Bảy Trưởng không thể nhớ hết những việc mình đã làm. Chú Bảy Trưởng tâm niệm: “Tôi làm việc từ thiện không mong được ai đó nhớ ơn hay báo đáp, chỉ muốn đóng góp một phần công sức để xây dựng quê hương. Khi mỗi công trình hoàn thành, được thấy niềm vui của những người có hoàn cảnh khó khăn mà mình trực tiếp giúp đỡ, bản thân thấy vui lây”.

 “Thích lo chuyện ngoài đường”

Đã gần 70 tuổi, chú Lê Quang Trưởng vẫn miệt mài với công tác từ thiện - xã hội. Ở địa phương, khi thấy cây cầu nào xiêu vẹo, hư hỏng, xuống cấp, chú xin ý kiến của chính quyền địa phương để sửa chữa, cất mới. Khi đã nhận được sự đồng thuận, chú Bảy Trưởng đến tận nhà bà con để vận động kinh phí; tùy theo số tiền được ủng hộ mà chú Bảy quyết định xây dựng cầu treo hay cầu bê-tông. Trong quá trình xây dựng, nếu kinh phí không đủ, chú Bảy sẽ vận động thêm bạn bè, người thân để đóng góp thêm.

Nhờ uy tín của bản thân nên mỗi công trình của chú Bảy đứng ra xây dựng đều được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Chú Bảy Trưởng chia sẻ: “Phải tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của từng công trình là phục vụ trực tiếp cho người dân. Bên cạnh đó, phải công khai minh bạch các khoản thu, chi; đồng thời tuyên dương những tấm gương đóng góp để tạo niềm tin, động lực để họ tiếp tục đồng hành trong những công trình sau này”.

Ở mỗi công trình thi công, chú Bảy Trưởng có mặt từ sớm và về nhà lúc chiều tối để giám sát công trình. Chú Bảy Trưởng thường ở lại dùng cơm trưa cùng bà con địa phương, nơi công trình đang xây dựng để nghe tâm sự về niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Dù thường xuyên “lo chuyện thiên hạ”, không có mặt ở nhà, nhưng vợ chú Bảy Trưởng không trách móc mà ngược lại còn động viên và ủng hộ chú tham gia các hoạt động xã hội. “Vợ chú trước là nòng cốt trong đội hậu cần, chuyên lo cơm nước cho đội trong những chuyến đi xây cầu ở xa. Mấy năm gần đây, sức khỏe cô giảm sút nên cô chỉ ở nhà lo chuyện gia đình” - chú Bảy Trưởng chia sẻ.

Đồng hành cùng chú Bảy Trưởng ngoài vợ còn có các anh, chú trong đội từ thiện xã An Thạnh Trung mà mọi người hay gọi thân mật là Đội chú Bảy Trưởng. Thành viên trong đội có người trẻ, người già; có người hoàn cảnh khó khăn, cũng có người “cơm no, áo ấm”. Ai tham gia cũng có mong muốn chung là đóng góp một phần công sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hàng năm, chú Bảy Trưởng tham gia, nâng cấp nhiều tuyến đường nông thôn; vận động kinh phí để hỗ trợ cất mới nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã… với số tiền mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chú còn tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm... Với những việc làm thiện nguyện của mình, chú Bảy Trưởng đã nhận nhiều giấy khen của các cấp chính quyền địa phương.

ĐÌNH ĐỨC