Người thầy trên đảo

27/01/2021 - 03:34

 - Cách đất liền khoảng 32km, Hòn Chuối được xem là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng của vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Trên hòn đảo xa xôi ấy có người thầy đặc biệt đang giảng dạy một lớp học cũng vô cùng đặc biệt: lớp học tình thương!

Đại úy Trần Bình Phục với sứ mệnh người thầy trên đảo Hòn Chuối

Những ngày theo chân đoàn công tác Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân, chúng tôi có dịp đến thăm lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Nếu không tận mắt chứng kiến, không ai có thể nghĩ rằng ở một nơi xa xôi đất liền với điều kiện khí hậu khắc nghiệt vẫn có người “ươm mầm” tương lai cho những trẻ em quanh năm thiếu vắng “hơi ấm” đất liền.

 Rời tàu 627 của Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân, chúng tôi băng qua hàng trăm bậc thang cùng với một đoạn dốc để đến lớp học đặc biệt của Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Từ xa, đã nghe tiếng đọc bài văng vẳng của các em học sinh. Trên bục giảng là người thầy giáo với trang phục quân nhân đang say sưa truyền đạt kiến thức cho mấy mươi cặp mắt chăm chú dõi theo. Người thầy ấy là đại úy Trần Bình Phục, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau.

 Gắn bó với lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối hơn 10 năm, đại úy Trần Bình Phục không còn xem đây là nhiệm vụ mà nó đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày. Anh Phục chia sẻ: “Được nhìn các em đến lớp tiếp thu con chữ là niềm hạnh phúc của tôi! Bởi, gia đình các em đã bám đảo để mưu sinh, nhiều em không được đi học sẽ mù chữ, như vậy sẽ rất thiệt thòi. Vì vậy, tôi tâm niệm sẽ làm hết khả năng của mình để mang kiến thức đến với tuổi thơ trên đảo và hướng các em tới tương lai tốt đẹp hơn”.  

Đại úy Trương Văn Kết, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho biết, lớp học tình thương được đơn vị thực hiện từ năm 1998 đến nay, với mục đích không để con em của người dân trên đảo bị mù chữ. “Những ngày đầu thành lập, lớp chỉ có vài ba em đến học. Tuy nhiên, với quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã giúp cho các em làm quen với những con chữ đầu đời. Hiện nay, nhiều em đã vào đất liền học tiếp và có được tương lai tốt đẹp hơn. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục duy trì, phát triển lớp học đặc biệt này” - đại úy Trương Văn Kết chia sẻ.

  Trong lớp học đầy ắp tình thương đó là sự hiện diện của 26 học sinh từ lớp 1 đến lớp 7. Phòng học có 3 tấm bảng treo ở 3 vách tường khác nhau. Mỗi tấm bảng được chia làm nhiều phần, với nội dung giảng dạy dành cho các lớp khác nhau. Quả thật đây là lớp học đặc biệt! Bởi nó ghép 7 lớp vào 1 phòng học và các em học sinh đủ lứa tuổi ngồi học cùng nhau. Người thầy giáo mang cấp hàm đại úy ấy cứ đi đi, lại lại tuần tự giảng giải nội dung cho từng lớp học khác nhau. Thỉnh thoảng, anh dừng lại để hỏi học sinh có theo kịp bài hay không.

Dưới bục giảng là những gương mặt thơ ngây chăm chú lắng nghe như cố “uống” từng lời nói của người thầy đặc biệt. Tiếng giảng bài tạm ngưng khi đại úy Trần Bình Phục chào hỏi những thành viên của đoàn công tác. Lần đầu gặp chúng tôi, những cô, cậu học trò lớp 1, lớp 2 cứ cười tủm tỉm, chốc chốc lại liếc nhìn người từ trong đất liền ra với sự tò mò, thích thú. Có lẽ, nếu không có thầy Phục và những cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Hòn Chuối chắc các em sẽ thiếu thốn về kiến thức.

Em Nguyễn Thị Yến Vy được sinh ra và cư ngụ trên đảo Hòn Chuối đã 15 năm. Với em, đảo là quê hương và thầy Phục là người thầy đầu tiên trong đời. Em Vy bộc bạch: “Được học với thầy Phục, em cảm thấy rất vui. Nếu không có thầy thì chúng em sẽ không biết chữ. Em dự định sẽ vào đất liền học tiếp để mai này trở thành người có ích rồi quay về đóng góp cho hòn đảo này”.

Vì sự nhiệt tâm của mình, đại úy Trần Bình Phục được người dân và các em học sinh trên đảo vô cùng quý mến. Đó là động lực để người lính quân hàm xanh này tiếp tục sứ mệnh “gieo chữ” nơi đảo xa. “Niềm vui lớn nhất của tôi chính là có những em từ lớp học tình thương này được vào đất liền tiếp tục con đường học vấn. Bản thân tôi nỗ lực học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng giảng dạy và tích cực vận động phụ huynh trên đảo cho con em đến lớp. Người lính biên phòng như chúng tôi không bao giờ ngại khó, ngại khổ và phải luôn hết lòng vì hạnh phúc của nhân dân” - đại úy Trần Bình Phục khẳng định.

Đại úy Trương Văn Kết, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho biết: “Lớp học tình thương của đơn vị được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) công nhận là cơ sở nằm trong hệ thống giáo dục của địa phương. Do đó, ban lãnh đạo Đồn Biên phòng Hòn Chuối sẽ tiếp tục đào tạo thêm vài cán bộ làm nhiệm vụ giảng dạy cùng đại úy Trần Bình Phục nhằm duy trì, phát triển lớp học đặc biệt và đầy ắp tình thương này!”.

THANH TIẾN - TRỌNG TÍN