Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu giữa bão giá

13/06/2023 - 07:40

 - Trong bối cảnh lạm phát trên thế giới còn tăng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước, người tiêu dùng nói chung đều tiết giảm chi tiêu để cân bằng bài toán sinh hoạt gia đình nhằm bù trừ cho giá điện, giá xăng, lương thực, thực phẩm đang tăng.

Công nhân chọn mua các sản phẩm giảm giá

Dù đi làm công nhân cả ngày nhưng trước cửa phòng trọ của anh Trung Quốc (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) vẫn treo bảng “Bán ba khía trộn, các loại cá khô”. Hôm nào về sớm, anh đem hàng ra bán bên lề đường, muộn hơn thì cũng có người chung nhà trọ mua ủng hộ, nhất là những ngày mưa.

Anh giãi bày: “Hầu như ai cũng tranh thủ để kiếm thêm thu nhập. Mấy chị phụ nữ khéo ăn nói thì bán hàng online như quần áo, phụ kiện. Còn tôi học theo vài người bán thực phẩm khô, bảo quản được lâu, phù hợp người đi làm về muộn có thể chế biến nhanh. Thu nhập kiếm thêm không là bao nhưng đắp đổi để trang trải cuộc sống vẫn hơn là chỉ trông cậy vào lương công nhân. Công ty cho biết không cắt giảm lao động, tuy nhiên có sự sắp xếp để giãn việc nên khá nhiều công nhân chủ động nghỉ để tìm việc khác”.

Hàng ngày từ huyện Thoại Sơn đến công ty ở TP. Long Xuyên làm công nhân, chị Phạm Thị Hồng phải tốn một khoản tiền cho việc đi lại. Đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng, trong khi hai vợ chồng chị Hồng đều bị giảm giờ làm, thu nhập còn lại cho trang trải cả tháng phải dè sẻn.

"Ở nhà, bình quân tiền điện khoảng 600.000 đồng/tháng. Từ tháng 5 vừa rồi “đội” lên 1 triệu đồng. Tôi có 2 con nhỏ đang đi học, mọi chi tiêu đều ưu tiên cho các cháu. Người lớn có thể nhịn được, còn trẻ con vẫn cần học bài, quạt mát, ăn uống, quà vặt…

Tổng thu nhập vợ chồng hiện nay chỉ còn 6 - 8 triệu đồng/tháng, giảm một nửa so với trước đây, nên cần mua gì cũng đắn đo, tính toán. Tôi chỉ mong sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này để có điều kiện làm việc và thu nhập ổn định trở lại” - chị Hồng tâm sự.

Không chỉ công nhân lao động, nhiều người đang có công việc ổn định, ở giai đoạn này đều ảnh hưởng bởi hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng giá. Họ tìm mọi cách tiết kiệm chi tiêu vào những mặt hàng không thiết yếu, chỉ mua sắm đồ thực sự cần thiết.

Chị Thu Hoài, ở trọ tại phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên) cho biết, gia đình có 2 người lớn, 1 trẻ em. Chị Hoài làm việc nhà nước nên có lương cố định, còn chồng làm tự do, thu nhập tính theo hiệu suất làm việc nên khá vất vả. Khoảng 2 tháng nay, chi phí đi lại, về thăm quê hàng tuần, lo cho con học, các sinh hoạt… đều tăng khoảng 30%. Riêng tiền điện tăng khá nhiều, dù đã nắm về thông tin giá điện đầu tháng, nhưng nhận hóa đơn chị vẫn giật mình. Từ tháng này, gia đình sắp xếp kế hoạch thu - chi lần nữa để tiết giảm tiếp tục.

Khác hẳn không khí xôm tụ thường thấy, nhiều siêu thị vào ngày cuối tuần đã không còn cảnh đông đúc chen lấn. Hình ảnh nhiều người tiêu dùng cầm món hàng xem xét kỹ lưỡng, dù chỉ chênh lệch 500 - 1.000 đồng trên cùng một sản phẩm giữa những đơn vị phân phối khác nhau cũng khiến họ phải đắn đo.

Em Mai Linh, sinh viên Trường Cao đẳng nghề An Giang cho biết, các sản phẩm như thịt, rau thường được siêu thị giảm giá vào cuối ngày/tuần/tháng. Học sinh, sinh viên thường chọn thời điểm này để mua giá rẻ. Ngoài giờ lên lớp, các em tập trung học nhóm hoặc tự học tại quán cà phê, vừa mát mẻ, yên tĩnh, lại có thể tranh thủ sạc điện thoại, laptop để tiết kiệm phần nào sử dụng điện ở nhà trọ.

Từ ngày 4/5, giá mỗi kwh điện được điều chỉnh tăng 3%, lên mức 1.920 đồng, chưa gồm thuế VAT. Giá điện tăng đúng vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện ở các hộ gia đình rất mạnh. Để tránh tình trạng tiêu thụ điện vượt ngoài tầm kiểm soát, nhiều giải pháp được chia sẻ để tiết kiệm hơn hoặc bù trừ vào giá trị 3% vừa được tăng. Bên cạnh điện, mọi thứ cần đến xăng, dầu hay năng lượng đều cần có tinh thần tiết kiệm, suy tính tiêu dùng cẩn trọng hơn.

Anh Tùng Dương (chủ hộ kinh doanh tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) cho biết, để duy trì hoạt động, anh cắt giảm nhiều chi phí, điều chỉnh sử dụng thiết bị điện những lúc vắng khách. Kể cả rau củ, gia vị chế biến món ăn hàng ngày cũng đong đếm từng món.

Tinh thần “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” được nhiều người áp dụng tích cực trong giai đoạn này. Thay vì mua sắm những mặt hàng yêu thích như trước đây, họ sẽ chọn lọc những món cần mua nhất. Chẳng hạn, thực phẩm là mặt hàng bắt buộc, còn những hàng tiêu dùng khác có thể lựa chọn loại giá rẻ hơn, áp dụng chương trình khuyến mãi.

Giá điện tăng cũng giúp nhiều người ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện. Nhiều người nội trợ chuộng mua hàng trên các uứng dụng điện tử hơn vì tiện lợi, tiết kiệm thời gian, nhất là săn được nhiều mã giảm giá, được cộng điểm tích lũy để trừ tiền cho các đơn hàng sau… Mọi người đều đồng quan điểm, tuy khó khăn nhưng sắp xếp vừa đủ với khả năng tài chính là điều cần thiết.

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu đơn hàng và cắt giảm lao động, trong khi giá cả tiêu dùng chưa hạ nhiệt, người dân buộc phải thay đổi thói quen chi tiêu mới có thể trụ vững trước tình hình khó khăn. Tất cả cùng trông chờ sự phục hồi của nền kinh tế để có thể vận hành khởi sắc hơn trong thời gian tới. Giai đoạn này, tinh thần tiết kiệm càng được chú trọng, sau khi dịch bệnh đã bào mòn túi tiền của nhiều người dân.

MỸ HẠNH