Người trẻ khởi nghiệp tại quê nhà

12/08/2020 - 05:38

 - Thay vì phải đến làm việc tại các thành phố lớn, hiện nay nhiều bạn trẻ lựa chọn ở lại quê hương, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp để phát triển. Dù con đường dẫn đến thành công vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng bằng ý chí, nghị lực đã giúp các bạn thêm vững tin trên con đường khởi nghiệp.

Cô gái trẻ Hồng Vân giới thiệu các loại bánh dân gian được làm từ bột huyền của gia đình

Về quê... nuôi gà

Đi theo nghề lái xe tải được một thời gian, anh Phan Thanh Tuấn (ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên, An Giang) phải “rày đây, mai đó”, không ổn định, phải xa gia đình, trong khi nhà thì ít người, anh Tuấn quyết định bỏ nghề lái xe để kiếm công việc phù hợp. Đầu tiên, anh Tuấn tham gia Tổ hợp tác rửa xe do Xã đoàn Nhơn Hưng quản lý.

Tham gia được một thời gian, có sẵn nghề trong tay, anh Tuấn nhận được sự hỗ trợ của Xã đoàn với số tiền 5 triệu đồng để đầu tư máy bơm, rửa xe ngay tại gia đình. Ngoài mô hình rửa xe, bằng nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Tuấn đã bắt đầu với mô hình chăn nuôi gà, vịt để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn có được, anh Tuấn tận dụng diện tích đất vườn để trống sau nhà đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống gà, vịt về thả nuôi. Sau 2 tháng nuôi, đàn gà, vịt của anh Tuấn phát triển tốt, là tín hiệu rất đáng mừng.

“Đây là lần đầu mình nuôi gà, vịt mà có số lượng vài trăm con, trước đó chỉ nuôi vài con cho gia đình. Bởi vậy, từ kỹ thuật xây dựng chuồng trại, đến cách chăm sóc, điều trị một số bệnh thông thường mình phải tìm hiểu rất kỹ bằng việc xem thêm thông tin trên mạng internet để có kinh nghiệm cho bản thân” - anh Tuấn thông tin. Mặc dù có nhiều ý tưởng cho mô hình chăn nuôi gà, vịt, nhưng do là lần đầu bắt tay vào thực hiện nên anh Tuấn muốn thử nghiệm theo cách nuôi truyền thống, nếu thành công sẽ tiếp tục cải tiến mô hình bằng việc đầu tư nhiều hơn.

“Mình có nghiên cứu mô hình nuôi gà trong lồng, xung quanh trồng thêm rau màu. Lượng phân gà thu được, sau khi xử lý sẽ được sử dụng làm phân bón cho rau, như vậy vừa có nông sản an toàn, vừa giảm được chi phí trong chăn nuôi, thu được lợi nhuận kép. Đây là hướng đi mình sẽ áp dụng trên mô hình thời gian tới” - anh Tuấn chia sẻ.

Được hỗ trợ vốn, nhiều thanh niên có thêm động lực khởi nghiệp trên quê hương 

Phát triển đặc sản quê nhà

Sinh ra và lớn lên ở vùng Bảy Núi, nơi có nhiều loại sản vật rất được lòng du khách, chính điều này đã giúp cô gái trẻ Lê Thị Hồng Vân (ấp Núi Kéc, xã Thới Sơn, Tịnh Biên) quyết định phát triển nghề làm bánh từ bột củ huyền của gia đình. Bạn Hồng Vân cho biết, người dân trồng xoài, cây hồng quân, củ huyền xen dưới tán rừng, vừa có tác dụng giữ đất rừng, vừa giúp người dân có thêm thu nhập, một cách làm giúp người dân thêm gắn bó và bảo vệ rừng tốt nhất. Theo lời kể của nhiều người dân ở địa phương, cũng như nhiều công trình nghiên cứu khoa học, tinh bột từ củ huyền có nhiều công dụng, làm thức uống bổ dưỡng, trị một số loại bệnh thông thường, như: đau bụng, làm mát cơ thể...

Bên cạnh đó, người dân địa phương còn sử dụng tinh bột củ huyền dùng làm nguyên liệu cho các loại bánh: bánh ít, bánh in, bánh canh, bánh đúc, chè, trân châu... hương vị thơm ngon có phần vượt trội so với nhiều loại bột đang được sử dụng trên thị trường. “Điều đặc biệt là củ huyền trồng ở địa phương phát triển rất tốt, tinh bột thu được nhiều hơn những nơi khác, điều này chứng tỏ củ huyền phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất nơi đây” - Hồng Vân cho hay.

Chính điều này đã giúp nguồn nguyên liệu củ huyền rất dồi dào, nhất là tinh bột huyền. Tuy nhiên, đa phần bà con chỉ dừng lại ở việc sản xuất tinh bột huyền, nghề thì cực mà giá bán mỗi ký bột huyền từ 35.000-45.000 đồng, chưa mang lại thu nhập ổn định cho bà con địa phương. Thấy vậy, Hồng Vân cùng gia đình nảy sinh ý định sử dụng bột huyền để làm các loại bánh dân gian của Nam Bộ. Đây là hướng đi đầy khả quan cho  loại đặc sản của địa phương. Như vậy, sẽ làm tăng giá trị của củ huyền, có được nguồn ra ổn định sẽ giúp bà con xứ núi có thêm thu nhập.

“Hiện giờ, nhà em nhận đặt rất nhiều loại bánh, nhưng nhiều nhất là bánh ít và bánh đúc, ai ăn cũng khen ngon, khách hàng ở tận TP. Hồ Chí Minh cũng điện thoại đặt hàng. Mình thấy vui vì từ những nguyên liệu sẵn có, chỉ cần biến tấu thêm một chút đã tạo ra sản phẩm khác, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương” - Hồng Vân chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích